Câu hỏi này chắc hẳn nhiều bạn đang dùng PC cũng hay thắc mắc nhưng thường ít khi tính toán tới vì ở gia đình không chỉ dùng PC không mà còn nhiều thiết bị điện tử khác, và biết đâu PC sẽ ngốn điện nhiều mà chúng ta không hay biết?! Không đâu nhé, PC có định mức tiêu thụ điện riêng của từng loại linh kiện, vì thế, nếu dàn PC của bạn đang tiêu thụ nhiều điện có khi không phải do các linh kiện mà có thể do màn hình công suất cao, loa vi tính công suất cao quá đấy (có bạn lắp PC nối với dàn âm ly karaoke ở nhà nữa thì đốt tiền là phải rồi).
*Lưu ý: để đo được chính xác điện tiêu thụ thì người ta phải sử dụng mấy thiết bị chuyên dụng cắm trực tiếp vào ổ điện, trong bài này thì mình chỉ có thể hướng dẫn các bạn cách tính gần đúng.
Chắc chắn ai trong chúng ta cũng đã từng một lần thắc mắc những câu như vậy. Máy tính là đồ điện, dùng đồ điện thì phải tốn tiền điện là chuyện đương nhiên. Nhưng mà thắc mắc thì thắc mắc vậy thôi chứ cũng chẳng có mấy ai ngồi nhẩm tính cả, vì thứ nhất là lười nhẩm, thứ 2 là sợ tính sai.
Thường thì khi tính công suất tiêu thụ điện của một chiếc máy tính, chúng ta hay lấy công suất thực của nguồn nhân cho số giờ tiêu thụ. Tuy nhiên trên thực tế thì như vậy là sai. Ngay từ khi chọn công suất nguồn cho PC thì bạn đã phải chọn bộ nguồn có công suất duy trì lớn hơn công suất đỉnh của dàn linh kiện rồi, và bộ nguồn rất ít khi chạy hết công suất, kể cả lúc chơi game, render hay làm việc đòi hỏi hiệu năng cao. Một bộ máy tính bàn tầm trung thì với chip Core i5 và GPU Nvidia có 2 số đuôi 60 cũng chỉ ăn tầm 150 đến 250W điện trong điều kiện sử dụng thông thường (CPU i5 65W và GPU 2060 180W max, khi không dùng hết công suất còn ít hơn nữa). Đối với laptop thì còn ít hơn nữa, thường thì laptop gaming có chip dùng H và GPU rời sẽ ăn điện khoảng một nửa máy bàn cùng hiệu năng.
Trong điều kiện thực tế, kết quả trung bình lượng điện cho các cấu hình như sau:
Cấu Hình | CPU | GPU | Công suất bình quân |
Bình Dân | Core i3, Ryzen 3 | GTX 1650, 1660, 1660s, 1660Ti | 150W – 200W |
Trung Cấp | Core i5, Ryzen 5 | RTX 2060, RTX 2060 Super, RTX 2070, RTX 2070 super | 250W – 300W |
Cao Cấp | Core i7, Ryzen 7 | RTX 2080 (Super/ Ti) | 350W – 600W |
Cao Cấp nhất | Core i9, Ryzen 9 | 2 x RTX 2080 (Super/ Ti) | 700W – 850W |
TT | Nhóm đối tượng khách hàng | Giá bán điện(đồng/kWh) |
---|---|---|
1 | Giá bán lẻ điện sinh hoạt | |
Bậc 1: Cho kWh từ 0 – 50 | 1.678 | |
Bậc 2: Cho kWh từ 51 – 100 | 1.734 | |
Bậc 3: Cho kWh từ 101 – 200 | 2.014 | |
Bậc 4: Cho kWh từ 201 – 300 | 2.536 | |
Bậc 5: Cho kWh từ 301 – 400 | 2.834 | |
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên | 2.927 | |
2 | Giá bán lẻ điện sinh hoạt dùng công tơ thẻ trả trước | 2.461 |
Về công suất của mỗi cấu hình thì chúng ta cũng đã có một cái mốc để ước lượng rồi, việc của bạn bây giờ chỉ đơn giản là đổi mức công suất đó ra thành tiền điện hàng tháng thôi. Chúng ta sẽ có công suất đơn giản như sau:
Công suất bình quân x số giờ chơi 1 ngày x số ngày chơi trong tháng x giá điện hiện hành
Bài ví dụ
Ví dụ mình có một con Core i5 non-K và GPU RTX-2060 (cấu hình tầm trung), mình chơi 5 tiếng/ ngày và 30 ngày 1 tháng thì mỗi tháng dàn PC này sẽ tiêu tốn số điện là:
250 x 5 x 30 = 37500W
Vì 1KW (ký điện) bằng 1000W nên mình sẽ chia con số trên cho 1000.
37500/1000 = 37,5kW
Cuối cùng, mình nhân số KW điện cho giá điện hiện hành, mình sẽ lấy giá điện bằng 2536 đồng/ kW điện (giả dụ nhà mình dùng từ 201 – 300kW mỗi tháng).
2536 x 37.5 = 95100 VNĐ
Đáp án là 95.100 đồng một tháng
Tương tự, áp dụng với dàn máy có công suất khác để tính xem. Nếu bạn đủ siêng năng thì có thể theo dõi đồng hồ điện khi dùng riêng PC và đo trong một khoảng thời gian nhất định hoặc dùng máy đo công suất điện riêng cho dàn PC nhé. Trên đây chỉ là cách tính để biết được tương đối. Khi tính toán các bạn nhớ cộng thêm công suất tiêu thụ của màn hình, hệ thống loa, micro rời nếu có nữa nhé. Thông số thường được nhà sản xuất cung cấp theo sản phẩm. Ví dụ, 1 màn hình 27 inch FullHD 60hz thường có công suất 40Wh.
Hy vọng sẽ có ích cho các bạn trong việc cân đối thu chi tiền điện nhé.