Hình tượng Rồng Việt Nam qua các triều đại

1130

Năm 2024 là năm Giáp Thìn theo lịch của phương Đông (Âm lịch), không chỉ Việt Nam mà nhiều nước Châu Á đều lấy hình tượng Rồng làm đại diện cho năm Âm lịch 2024. Rồng Việt Nam có chất riêng, theo suốt chiều dài lịch sử, nhất là vào các triều đại phong kiến. Tuy nhiên, do sự hội nhập về văn hóa và những cải tiến của việc tiếp cận tài nguyên mỹ thuật, có sự nhầm lẫn giữa hình tượng rồng của các nền văn hóa khác nhau, cụ thể nhất là sự nhầm lẫn giữa hình tượng Rồng Việt Nam và Rồng Trung Hoa. Bài viết này Thái Triển ghi lại từ trang Đại Việt Cổ phong và các nguồn khác. Mong sẽ có cái nhìn lan tỏa giá trị hình tượng Rồng đến các bạn.

Rồng (long – 龍) là biểu tượng của sự linh thiêng, của sức mạnh thần thánh và quyền lực các quân vương. Trải qua hơn một ngàn năm tự chủ, tạo hình rồng luôn là hình tượng cao quý và tiêu biểu nhất của nền mỹ thuật dân tộc. Có thể nói, trong nền mỹ thuật trung đại Việt Nam, hình tượng con rồng là công cụ nhận biết đặc trưng phong cách mỹ thuật của từng thời kỳ trong lịch sử.

Cho đến ngày nay, hình tượng rồng vẫn là biểu tượng của niềm tự hào văn hóa lịch sử, tiếp tục được kế thừa, sử dụng trong mỹ thuật hiện đại. Mình đã dành nhiều thời gian tìm hiểu đặc trưng hình tượng rồng qua các thời đại, sau đó tổng hợp lại những đặc sắc thời đại đó thành bức tranh này.

Hôm nay mình muốn đưa đến bạn đọc những hình ảnh chi tiết của hình tượng Rồng Việt Nam qua các thời kỳ, triều đại khác nhau. Mỗi phiên bản lại phản chiếu đặc trưng tình hình tôn giáo và văn hóa triều đại tương ứng. Tranh vẽ và mô tả trong bài này được lấy nguồn từ page Sên.

Hình tượng rồng thời Lý

Trên trang của Đại Việt Cổ Phong đã có sẵn bài viết Giải mã hình tượng rồng thời Lý, bài viết có đề cập nguồn gốc các biểu tượng trên thân Rồng nhà Lý, và phản bác lại một số ý kiến cho rằng mang ảnh hưởng từ nghệ thuật tạo hình của Champa.

rong thoi ly

Rồng thời Lý là con rồng đầu tiên trong bộ tranh này. Tạo hình rồng thời Lý là sự chuẩn mực, hoàn thiện cao về trình độ mỹ thuật từ tạo hình rồng đã có trước đó thời Đinh-Tiền Lê.

Một con rồng Lý hoàn chỉnh có thân dài, uốn khúc hình sin, thân mang vảy. Đầu rồng có ngà; bờm và vòi uốn khúc; trên đầu có sừng tạo hình như sừng hươu hay đôi khi như nhánh san hô, ở một số phiên bản phù điêu sừng được tạc giống chữ ω. Móng chân rồng dài nhọn như tạo hình móng của nhiều linh thú khác thời Lý, với số móng đa dạng từ 3, 4 đến 5.

Rồng trên mi cửa tháp chùa Phật Tích thời Lý

Trước kia có nhiều nhận đình sai lầm về rồng thời Lý, như rồng thời Lý không có vảy, không có sừng, chân chỉ có 3 móng, phần vòi được gán ghép chủ quan là “mào lửa”. Những nhận định này xuất phát từ cách nghiên cứu chủ quan như bỏ qua nhiều hiện vật, so sánh không đồng đại, cùng tâm lý bài Hán muốn cho con rồng Lý phải khác con rồng Trung Hoa.

Thực tế, con rồng Lý vẫn nằm trong luồng phong cách tạo hình rồng của các nước Đông Á cùng thời kỳ như Tống, Cao Ly, Đại Lý,… và có thể nói, con rồng Lý là tạo hình đẹp nhất, xuất sắc nhất, đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình rồng Đông Á thế kỷ 11, 12.

Tranh vẽ rồng thời Lý cùng chim thần Kalavinka đang chơi trống Phong yêu. Kalavinka (Ca lăng tần già) trong kinh điển Phật giáo là loài chim sống ở vùng nùi tuyết của Himalaya. Khi còn trong trứng, chim đã có thể cất tiếng hót, âm thanh trong trẻo, hòa nhã, vi diệu, so với tiếng của Trời, người, Khẩn Na La cũng như tất cả những loài chim khác đều thua xa.

Kalavinka có tạo hình đầu người mình chim, rất giống với tạo hình Kinari, song hai loài này khác nhau. Ở Việt Nam có thể thấy hình ảnh Kalavinka ở tượng tháp chùa Phật Tích thời Lý và các bức phù điêu gỗ ở chùa Thái Lạc thời Trần.
Link 3D cột đá chùa Dạm: http://3dartvn.com/submission/3d_demo/cotdachuadam/

Rồng thời Trần

Rồng thời Trần thời kỳ đầu vẫn là những phiên bản sao chép và kế thừa phong cách rồng thời Lý. Càng về sau, hình tượng rồng càng phát triển đa dạng, không còn thống nhất, khuôn vàng thước ngọc như rồng Lý, mà bắt đầu biến đổi nhiều hình vẻ, mỗi nơi một khác, thể hiện sự tiếp biến và giao thoa mới.

Rồng thời Trần

Do đó, khó có thể lựa chọn một hình tượng rồng kiểu mẫu thống nhất cho thời đại này. Một số yếu tố khác biệt xuất hiện ở rồng thời Trần có thể kể đến như: cấu trúc thân mập mạp khỏe khoắn hơn; phần vòi ngắn lại và mập hơn, các mép hình “ngọn lửa” thưa nhỏ lại hoặc tiêu biến hẳn rất giống với con rồng Tống, Nguyên đương thời; không còn phần chữ S; phổ biến sừng với kiểu dáng phong phú; bờm xuất hiện loại 2 dải ngắn không vắt lên hay duỗi ra sau mà vòng xuống gáy; vảy xuất hiện nhiều hơn kể cả ở một số phiên bản rồng nhỏ; móng vuốt ngắn và to hơn; xuất hiện nhiều tư thế mới.

Đầu rồng (con Bồ Lao) ở quai chuông chùa Vân Bản. Có thể nhận thấy chi tiết omega ω trên các phù điêu chính là chiếc sừng mà thể hiện rất rõ ở hiện vật này

Rồng thời Lê Sơ (Hậu Lê)

Rồng thời Lê sơ là một bước ngoặt trong tạo hình rồng Việt Nam, có thể thấy sự du nhập tạo hình con rồng Minh vào con rồng thời kỳ này.

Rồng thời Lê Sơ (hậu Lê)

Những khác biệt của con rồng thời Lê sơ so với với các thời đại trước thể hiện rõ nhất ở việc thay thế cái vòi bằng mũi của loài thú ăn thịt (đến thời Mạc lại xuất hiện một số tạo tác mũi trở lại dạng vòi) cùng với cái đuôi cá. Mặt rồng trông dữ hơn, lông mày cùng bộ râu quai nón rậm, thân hình to khỏe cứng cáp kết hợp với mây lửa, thể hiện sức mạnh uy quyền của bậc đế vương với con rồng 5 móng chỉ dành cho hoàng đế.

Thoạt nhìn con rồng Lê sơ rất giống con rồng nhà Minh, nhưng nếu quan sát và so sánh kỹ lưỡng, có thể nhận ra nhiều khác biệt đặc trưng mà chỉ con rồng Lê sơ mới có. Rồng Lê sơ cũng như mọi con rồng Việt Nam ở các thời kỳ miệng thường ngậm châu ngọc, phần lông mày và râu quai nón có hình “dấu phẩy” đặc trưng, vây trên thân và đuôi mềm mại hơn con rồng Minh, vây được thể hiện các đường sọc dày, phần râu mép và túm lông ở khuỷu chân luôn được kéo dài bay bổng, phần bờm thường xẻ ra hai bên, xuất hiện tư thế một chân trước cầm lấy râu rất đặc trưng.

Rồng trên trán bia Lam Sơn Dụ Lăng, lăng vua Lê Hiến Tông

Hình tượng rồng Lê sơ được kế thừa dưới thời Mạc và vẫn còn được sử dụng sang thời Lê trung hưng đến tận thế kỷ 18 dù có thay đổi ít nhiều.

Rồng thời Lê Trung Hưng (Trịnh Nguyễn phân tranh)

Có thể nói, con rồng thời Lê trung hưng là con rồng đa dạng về tạo hình nhất. Là thời kỳ nhiều biến động và cũng là lâu dài nhất trong các triều đại Việt Nam, với sự nở rộ của các kiến trúc đình, chùa mà cho đến nay vẫn để lại kho tàng nghệ thuật đồ sộ, hình tượng rồng cũng vì thế mà rất phong phú.

Rồng thời Lê Trung Hưng

Sự khác biệt đó phân định ở các yếu tố thời gian, vùng miền và chất liệu. Cho đến đầu thế kỷ 18, vẫn tồn tại tạo hình rồng đuôi cá mang những đặc điểm kế thừa từ con rồng Lê sơ – Mạc, song song với đó, con rồng dần được cách điệu cao, hoa văn dáng dấp cứng hơn, nổi bật là râu bờm, mây lửa đều duỗi thẳng sắc nhọn theo kiểu “đao mác” rất đặc trưng của thời đại này.

Đầu rồng cũng dần biến đổi, bờm không còn bổ luống mà chia thành từng dải đều nhau, lông mày, râu cằm, lông khuỷu chân loe ra, hai sợi râu mép uốn cong lại. Sang thời Cảnh Hưng gần giữa thế kỷ 18 đã xuất hiện con rồng đuôi xoáy, thân rồng mảnh hơn, tạo hình này xuất hiện sớm nhất có lẽ là con rồng vẽ trên các sắc phong, chính là tạo hình rồng mà đến thời Nguyễn kế thừa lại.

Ngoài ra, có sự khác biệt phong cách giữa các vùng Sơn Tây, Sơn Nam, Kinh Bắc đặc biệt ở điêu khắc kiến trúc gỗ, đây là chất liệu mà các nghệ nhân của từng vùng thể hiện sự sáng tạo riêng của mình, không chỉ đẹp về thẩm mỹ mà còn đa dạng về tạo hình, bố cục.

Rồng trên trán bia chùa Đông Dương, niên hiệu Đức Long, đầu TK17. Ảnh: Hiếu Trần

Rồng thời Nguyễn

Khi nhắc đến rồng thời Nguyễn là người ta liên tưởng ngay đến con rồng đuôi xoáy đặc trưng. Thế nhưng như đã nói trong ở phía trên phần rồng thời Lê trung hưng, vốn dĩ hình dáng rồng này đã xuất hiện sớm nhất vào nửa đầu thế kỷ 18 trong mỹ thuật Đàng Ngoài và hoàn thiện ngay từ thời Lê, bao gồm những đặc điểm có thể kể đến như mũi to, mõm ngắn, râu bờm uốn lượn từng dải liền nhau, râu thường uốn cong xoắn ốc, thân mảnh, đuôi xoáy.

Rồng thời Nguyễn

Nhà Nguyễn tiếp tục kế thừa hình tượng rồng này và theo thời gian xuất hiện nhiều biến thể mới. Những thay đổi như về tạo dáng, có thể thấy ở những con rồng thềm bậc, độ uốn khúc không còn đều đặn mà chỉ vồng lên 2 khúc nhỏ dần về đuôi. Trán rồng có phần lõm hơn và bợt ra sau.

Ở nhiều hình ảnh ta thấy đuôi con rồng không còn xoáy nữa mà duỗi ra, hoặc vẫn xoáy nhưng các dải lông thưa thớt và rời rạc chứ không gắn liền nhau, thậm chí có những con đuôi đã cứng với những sợi lông sắc nhọn đâm tua tủa mang ảnh hưởng từ hình tượng rồng Trung Hoa giai đoạn Minh hậu kỳ trở về sau.

Rồng trên hoàng bào thời Nguyễn

Nhìn chung, hình tượng Rồng Việt qua các thời kỳ có sự cải biên, kế thừa và tạo hình đặc sắc. Rồng Việt Nam cũng là một sự tưởng tượng, cũng như các hình tượng rồng các nền văn hóa khác, sự tưởng tượng thì không có giới hạn, quan trọng là mang lại cho con người niềm tin, sức mạnh và lòng tự tôn. Còn để phân biệt giữa Rồng Việt Nam và Rồng Trung Hoa thì đặc điểm dễ nhận biết là Rồng Việt Nam thường ngậm ngọc (Phun châu nhả ngọc), đầu rồng sặc sỡ, uy nghiêm nhưng thân thiện, mũi rồng khá to (có khi có ngà). Còn Rồng Trung Hoa thì thường cầm ngọc, đầu nhiều lông mao dài, mũi dài, nhọn, mặt rồng khá hung tợn.

What’s your Reaction?
+1
0
+1
0
+1
0
+1
0
+1
0
+1
0
+1
0
Thái Triển
WRITTEN BY

Thái Triển

Thái Triển là một designer nghiệp dư, yêu thích công nghệ, máy tính, vẽ vời, phát triển web và ứng dụng. Hiện tại mình đang làm Chủ tịch, CEO, Nhân viên kiêm luôn tạp vụ, giao hàng cho Công ty TNHH Thái Triển.