Android 12 – OneUI 4.0 trên Samsung Galaxy Note 10 Plus – thứ tệ hại nhất tôi từng trải nghiệm trên smartphone Android

Cảm giác đầu tiên của một người dùng Samsung Note 10 Plus như tôi là mong chờ để được cập nhật Android 12 hay OneUi 4.0 trên một thiết bị đã ra mắt gần 3 năm với những sự tò mò và cả những kỳ vọng vì tôi với tôi Note10+ là một thiết bị…


Cảm giác đầu tiên của một người dùng Samsung Note 10 Plus như tôi là mong chờ để được cập nhật Android 12 hay OneUi 4.0 trên một thiết bị đã ra mắt gần 3 năm với những sự tò mò và cả những kỳ vọng vì tôi với tôi Note10+ là một thiết bị vừa có tính công nghệ vừa có tính kỷ niệm.

Câu chuyện của tôi với Note10+

Tôi đã dành dụm để dám chi tiền ra mua một chiếc smartphone đầu bảng sau những ngày sử dụng những chiếc smartphone xiaomi, nokia, hay cả iphone cũ đầy khó chịu và không hài lòng, và lựa chọn của tôi là Note10+ ngay sau khi nó ra mắt. Vì Note10+ là một chiếc smartphone vô cùng đẹp với tôi và nó hội đủ tất cả các yếu tố về độ hoàn thiện, công nghệ mà các hãng khác không có được, kể cả Apple với một hệ điều hành iOS 12, 13 nhàm chán với cái giao diện có để hình nền cũng như không và cái “tai thỏ” đáng ghét.

Tôi sử dụng Note10+ được 2 năm thì bắt đầu thấy sự già nua của nó khi sử dụng các phần mềm vì cấu hình smartphone và sự phát triển của ứng dụng ngày càng đòi hỏi bộ vi xử lý cao hơn cũng như sự tối ưu từ hãng với hệ điều hành tùy biến từ Android.

Tôi vẫn mong muốn sử dụng Note10+ thêm nữa đến khi nào nó hư thì thôi vì nó là thứ tôi đã có nhiều kỷ niệm từ lúc dành dụm mua đến lúc tôi viết bài này (xin phép không kể dài dòng). Tuy nhiên, tôi càng ngày càng cảm thấy khó chịu đến từ giao diện và sự hoạt động ì ạch của OneUI.

Android là một hệ điều hành tuyệt vời vì khả năng “mở” của nó, nơi mà dev và người dùng đều tự do phát triển những thứ riêng biệt, dễ sử dụng, sẽ không khó khi bạn thấy rất nhiều ứng dụng hữu ích trên Android mà iOS không có được, và tất nhiên rác ứng dụng cũng rất nhiều. Chính vì tính chất đó mà mỗi hãng smartphone lại có sự tùy biến và phát triển riêng.

Samsung không phải tự nhiên mà trở thành top trong thế giới smartphone, họ có nhiều sáng tạo, luôn đi đầu trong ngành trong nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là flagship Samsung luôn có những đột phá và khiến cuộc chiến Android vs iOS hay chính những hãng smartphone Android đối đầu với Apple luôn căng thẳng mỗi khi hãng đối thủ ra mắt sản phẩm (từ khi Huawei bị cấm vận và thua cuộc, chứ Huawei sáng tạo còn hơn Samsung).

Tuy nhiên, đến nay, khi tôi cập nhật Android 12 – OneUi4.0 thì tôi thật sự đã chán Samsung. Tôi nghĩ sẽ không chi một số tiền lớn để mua smartphone đầu bảng của Samsung nữa, thay vào đó, tôi sẽ cân nhắc những lựa chọn khác. Và đây là một số lý do.

1. Android 12 – OneUI 4.0 thật sự là “rác”, sự thất bại của cả Google và Samsung.

Được giới thiệu với đủ thứ tính năng, giao diện cải tiến và hơn hết là tăng cá tính cho mỗi người dùng như Android 12 ra mắt đã gặp vô số lỗi, khiến quá trình triển khai cập nhật và tùy biến của các hãng phải trì trệ và kéo dài, sự hứng thú đã không còn nhiều. Riêng về Samsung thì cập nhật thường rất chậm do điện thoại trải dài nhiều phân khúc, phần cứng đa dạng, việc cập nhật một lúc là điều không tưởng, nên lịch cập nhật càng dài cổ. Và khi Android 13 (chưa có thông tin) ra mắt, chưa chắc Samsung đã lo xong Android 12 cho các thiết bị trong vòng đời.

OneUi 4.0 thay đổi một số về mặt giao diện và cập nhật các tính năng từ Android 12 để đồng bộ trải nghiệm, tuy nhiên, khi tôi cập nhật lên Android 12 thì chiến Samsung Note 10 Plus của tôi chợt rẻ tiền và thảm hại đến nổi tôi phát cáu khi máy nóng nhanh hơn, mở app mặc định giật lag, hiệu ứng animation thì như trò hề, khi out app ra homescreen icon có thể bay từ mọi hướng tùy hứng, các tùy chọn vẫn như cũ chẳng khác là mấy nhưng gói cài đặt lại nặng hơn OneUi 3. với Android 11. Và cảm nhận chung, chẳng thà đừng cập nhật thì hơn, vì OneUi 3.5 còn chấp nhận được và còn đỡ ức chế hơn OneUi 4.0.

2. Trải nghiệm OneUi trên mọi phân khúc của Samsung là gần như tương tự

Các flagship với phần cứng khủng và nhiều tính năng đi kèm với phần cứng mới, như camera, vân tay siêu âm… và các smartphone giá rẻ phân khúc bình dân của Samsung với cấu hình yếu, tính năng phần cứng hạn chế… sẽ chẳng mang đến sự khác biệt về trải nghiệm sử dụng khi chúng đều có một giao diện và tính năng, cài đặt, cách sử dụng như nhau.

Cái khác biệt là chất lượng tính năng đi kèm phần cứng tương ứng.

Vậy, tôi sẽ không có một sự khác biệt nào nếu sử dụng flagship với điện thoại bình dân khi cùng sử dụng OneUi, với icon, giao diện, font chữ… y như nhau.

À thì bạn sẽ nói, flagship sẽ nhanh mạnh, nhiều tính năng nâng cao hơn. Đúng, tuy nhiên, khi phần cứng smartphone Android gần đạt ngưỡng và bảo hòa thì chẳng có lý do gì để bạn phải mua một flagship với giá gấp 4-5 lần mà chụp ảnh cũng chỉ hơn một tí, nhanh hơn một tí, màn hình đẹp hơn 1 tí, loa to hơn 1 tí… đúng không?!

Nhìn sang Apple đi, khi iOS 14 và 15 đã chịu học Android đưa widget vào và làm chỉnh chu thì giờ iOS đã thêm nhiều sự thú vị. Đồng ý là iOS vẫn luôn có lỗi và cập nhật nhiều nhanh đến mức bạn không nhớ mình đã cập nhật bao nhiêu lần trong 1 năm để fix lỗi nhưng dù sao, trải nghiệm iOS với một chiếc máy 5 năm tuổi vẫn rất mượt mà và nhanh chóng, hầu như không có sự khác biệt khi mới mua máy (trừ scandal bóp hiệu năng với smartphone đời cũ và pin chai).

Không cần nhìn đâu xa, Xiaomi với MIUI, Oppo với ColorsOS, Oneplus với OxyzenOS hay cả Realme, Poco, Vivo… đều cũng dùng Android đó thôi, nhưng sao smartphone của “tàu” lại sử dụng rất ngon về phần mềm, đủ thứ tùy biến thú vị, quá trình sử dụng đóng mở app mượt mà như Android gốc, sử dụng thì trơn tru, nhanh như gió. Điều đó chứng tỏ, có thể các hãng Trung Quốc tuy không quá đánh vào chất lượng build máy để giảm giá thành, cắt bớt cấu hình nhưng họ không đồng nghĩa với việc trải nghiệm phần mềm sẽ tệ hại mà họ chú trọng về phần mềm cực kỷ tỉ mỉ và để giống Apple với iOS càng nhiều càng tốt. Vì họ biết, trải nghiệm phần mềm sẽ giúp người dùng cảm thấy thú vị hơn là nhìn ngắm vẻ đẹp của một chiếc smartphone cả ngày như cái cách mà Samsung cảm thấy tự hào.

90% người dùng đều sẽ trang bị ốp lưng, bao da, cường lực/dán màn hình khi dùng smartphone.

3. Samsung PR tốt nhưng giá trị một chiếc smartphone không cao

Lý do vì sao tôi nói như vậy, vì mỗi năm, Samsung ra rất nhiều mẫu, và bạn sẽ luôn thấy quảng cáo của Samsung tràn ngập khắp nơi từng đường phố đến mạng xã hội và truyền hình.

Nhưng sau khi mẫu smartphone mới ra mắt, Samsung sẽ không còn quan tâm đến mẫu máy cũ với việc họ sẽ chẳng bán máy cũ nữa, mà sẽ dùng phần cứng đó, để làm một mẫu máy tầm trung hoặc giá rẻ hơn.

Quá trình này có thể coi là rẻ hóa flagship để tận dụng phần cứng, linh kiện. Tốt thôi, vì đâu thể bỏ phí để hao tổn tài nguyên khi nó vẫn sử dụng được chứ. Điều đó vô tình làm chiếc flagship của tôi sẽ chẳng khác gì một điện thoại giá rẻ chỉ sau 1 năm hoặc cao là 2 năm. Tôi không nói về tốc độ rớt giá đối với hàng cũ đã qua sử dụng vì nó theo quy luật cung cầu, nó không nói lên giá trị sử dụng của một thiết bị. Tôi nói đó là gần như là sự “lừa gạt” đối với người dùng đã chịu chi số tiền mua flagship để rồi 1 – 2 năm, họ lại thấy một smartphone của Samsung với phần cứng tương tự, với một cái tên khác mà còn nâng cấp hẳn về dung lượng pin hoặc thiết kế màn hình mới, cụm camera “thời thượng” hơn. Ví dụ chiếc M62 và Note10Plus của tôi chẳng hạn, bạn xem cấu hình thì Note10plus của tôi còn thua kém về một số mặt. Và M62 bán giá chỉ bằng 1/4 giá tôi đã chi cho một flagship.

4. Xiaomi, Oppo, Vivo, Realme, Redmi… đang vừa rẻ vừa tốt

Tôi đã sử dụng thử và trải nghiệm các smartphone của các hãng TQ tại các quầy trải nghiệm của cửa hàng hoặc là máy tôi mua tặng người thân. Sau những trải nghiệm đó, tôi rút ra một điều, tôi chẳng thấy chiếc Note10+ của tôi đáng xài chỗ nào khi mà một chiếc Xiaomi giá rẻ vẫn vuốt vuốt, mỏ đóng app nhanh chóng, hay một chiếc Realme giá rẻ, tầm trung cũng đầy nhưng tính năng thông minh, build máy vẫn cao cấp mà lại còn có pin rât tốt, sạc siêu nhanh, màn hình siêu đẹp 120hz…. Trong khi đó, tôi phải mua flagship mới nhất của Samsung mới có đủ những tính năng đó.

Tôi vẫn tự an ủi rằng Note10+ của tôi có thiết kế đẹp hơn, màn hình đẹp to hơn, hay có bút spen “thần cmn thánh” như cách bọ reviewer ăn tiền hay chém gió. Nhưng tôi rút spen chắc được 5 lần trong 2 năm qua để sử dụng chụp ảnh. Màn hình to nhưng cầm nắm lại khó, camera thì giảm dần chất lượng sau thời gian sử dụng mặc dù rất ít chụp…

Nhưng khi tôi sử dụng hoặc thấy một mẫu máy Android khác của Trung Quốc ra mắt như Xiaomi 12 series hay Realme GT2 Pro, tôi lại rất muốn trải nghiệm nó vì nó đẹp và nó nhiều công nghệ, cấu hình đầu bảng với mức giá có thể nói là phải chăng.

Và cùng với một công nghệ đó, mức giá cao hơn nhiều, Samsung sẽ mang lại gì cho tôi khi OneUI4.0 be like shi* thế này?

Kết

Tôi sẽ cân nhắc, và giờ, tôi đã trở lại với iOS với một chiếc iPhone XSMax mà tôi cũng từng mong sở hữu với mức giá mua cũ phải chăng và hoạt động vẫn nuột như ngày đầu. Song song đó, Note10+ tôi vẫn giữ sử dụng và cập nhật Oneui4. để có bài chê bai này. Và tôi đang cân nhắc sẽ sở hữu một chiếc smartphone đầu bảng của một hãng Trung Quốc sắp tới để đổi gió và dùng song song cho nhu cầu của tôi. Vì tôi vẫn thích Android hơn iOS. LG, Sky, HTC… đã từng chết đi hay Sony, Nokia… vẫn thoi thóp vì quá bảo thủ, chậm đổi mới và hơn hết, những hãng này chết vì mang lại trải nghiệm tệ hại khi dùng smartphone và gây mất cảm tình đối với người dùng. Và có khi nào sẽ đến Samsung.