Sự cố trên tuyến cáp quang biển APG đến tháng 2 mới sửa xong

307

Tuyến cáp quang biển quốc tế Asia Pacific Gateway (APG) đã gặp sự cố trên hướng kết nối đi Hong Kong (Trung Quốc) từ ngày 13/12.

Đây là lần thứ tư trong năm nay tuyến cáp quang biển APG gặp sự cố. Trước đó, tuyến cáp biển này lần lượt gặp sự cố vào các ngày 9/1, 11/5 và 29/10. Sự cố xảy ra ngày 29/10 trên phân đoạn S3 của APG được sửa xong vào ngày 27/11, sau gần 1 tháng gián đoạn dịch vụ.

Với sự cố mới nhất gặp phải vào ngày 13/12 vừa qua, nguyên nhân đã được xác định do lỗi cáp cách trạm cập bờ HongKong (Trung Quốc) của tuyến APG khoảng 125 km. Sự cố lần này được đại diện lãnh đạo một doanh nghiệp Internet tại Việt Nam đánh giá là có ảnh hưởng tương đối lớn đến kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế trên tuyến, với lưu lượng các nhà mạng bị mất do ảnh hưởng sự cố này ước tính khoảng 1TB.

Sự cố trên tuyến cáp quang biển APG đến tháng 2 mới sửa xong
Riêng trong năm 2021, tuyến cáp quang biển APG đã 4 lần gặp sự cố gây gián đoạn dịch vụ trên tuyến (Ảnh minh họa: Internet)
Lịch sửa chữa, khắc phục sự cố trên tuyến APG vừa được đối tác quốc tế thông báo với các nhà mạng hôm nay, ngày 25/12. Theo đó, lỗi cáp gần trạm cập bờ HongKong (Trung Quốc) của tuyến APG sẽ được sửa từ ngày 2/2 đến ngày 6/2/2022. Như vậy, dự kiến tuyến cáp APG sẽ còn bị gián đoạn dịch vụ khoảng hơn 1 tháng nữa.

Để đảm bảo chất lượng cung cấp cho khách hàng, ngay sau khi nhận được thông tin cáp APG gặp sự cố, các nhà mạng đều đã chủ động chuyển hướng, bổ sung dung lượng nhằm bù lại dung lượng kết nối bị mất do APG tiếp tục gặp lỗi.

Đơn cử như, VNPT đã bổ sung dung lượng qua các tuyến cáp biển SMW-3, IA và cáp đất liền; đồng thời triển khai thêm các kết nối đến các hệ thống ứng dụng quốc tế được dùng phổ biến như Zoom, Microsoft, Amazon, Google.

Tuyến cáp quang biển quốc tế APG được đưa vào vận hành chính thức từ giữa tháng 12/2016. APG có chiều dài khoảng 10.400 km, được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, với khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps. Tuyến cáp có các điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Cáp APG có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom và được đánh giá là tuyến cáp góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng Internet tại Việt Nam.

Ngoài APG, hiện còn 1 tuyến cáp quang biển khác là Asia America Gateway (AAG) cũng đang gặp sự cố trên các nhánh cáp hướng kết nối đi Singapore và HongKong, Trung Quốc. Theo kế hoạch, các sự cố này đã được bắt đầu sửa từ ngày 17/12 và dự kiến hoàn thành vào ngày 3/1/2022. Khi đó, các kênh truyền trên tuyến cáp biển này mới được khôi phục hoàn toàn.

AAG là tuyến cáp quang biển kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ, được đưa vào vận hành chính thức từ tháng 11/2009. Các quốc gia và vùng lãnh thổ mà tuyến cáp biển AAG đi qua gồm có Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Brunei, Hong Kong (Trung Quốc), Philippines và Hoa Kỳ.

Hiện nay, các doanh nghiệp Internet Việt Nam đang tham gia khai thác một số tuyến cáp quang biển quốc tế: AAG, SMW3 (còn gọi là SEA – ME – WE3), Liên Á (IA – Intra Asia), APG và AAE-1. Băng thông kết nối Internet quốc tế ở Việt Nam phần lớn thông qua các tuyến cáp quang biển này, do đó việc 1-2 tuyến cáp gặp sự cố sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ truy cập Internet quốc tế của người dùng Internet Việt Nam.

What’s your Reaction?
+1
0
+1
0
+1
0
+1
0
+1
0
+1
0
+1
0
Thái Triển
WRITTEN BY

Thái Triển

Thái Triển là một designer nghiệp dư, yêu thích công nghệ, máy tính, vẽ vời, phát triển web và ứng dụng. Hiện tại mình đang làm Chủ tịch, CEO, Nhân viên kiêm luôn tạp vụ, giao hàng cho Công ty TNHH Thái Triển.