Chính thức triển khai App chống dịch COVID-19 – PC-COVID Quốc gia

331

Sáng 30/9, PC-Covid đã hoàn thiện và được đưa lên hai kho ứng dụng App Store và Google Play. Một số ứng dụng hiện tại như Bluezone, VHD, Ncovi, sẽ được cập nhật để trở thành PC-Covid.

1. Cài đặt App PC-COVID

Sáng 30/9, PC-Covid đã hoàn thiện và chính thức được đưa lên hai kho ứng dụng App Store và Google Play. Theo đó, ứng dụng được trang bị 9 tính năng chính: Thẻ Covid-19; Khai báo y tế; Khai báo di chuyển nội địa; Thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm; Cấp, quản lý mã QR cá nhân và địa điểm; Quét mã QR; Truy vết tiếp xúc gần, Bản đồ nguy cơ, và Phản ánh.

Người dùng có thể truy cập vào 2 đường dẫn bên dưới để cài đặt.

Sau khi phát hành, người dùng sẽ chỉ cần cài duy nhất ứng dụng PC-Covid cho công tác phòng chống dịch. Sau khi cài và đăng nhập, dữ liệu từ các ứng dụng cũ sẽ hiển thị trên PC-Covid, không đòi hỏi người dùng khai báo lại từ đầu.

Nghĩa là, đối với những người đã tải các ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 được khuyến cáo bởi Bộ TT&TT, Bộ Y tế trước đó như Bluezone, NCOVI, Tờ khai y tế, khai báo mã QR, quản lý xét nghiệm… app PC-Covid sẽ tự động thay thế khi cập nhật lên phiên bản mới nhất.

Riêng Sổ sức khỏe điện tử vẫn được duy trì, phát triển theo hướng riêng, phục vụ công tác chuyển đổi số y tế sau này.

Nguồn thông tin cho PC-Covid được liên thông để thực hiện đối soát. 4 nguồn dữ liệu được dùng để phục vụ cho việc đối soát thông tin gồm: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (do Bộ Công an quản lý); Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý); Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêm chủng, phòng ngừa Covid-19 (do Bộ Y tế quản lý) và cơ sở dữ liệu về xét nghiệm Covid-19.

Qua đó, thông tin về sức khỏe, đi lại, tiếp xúc của người dân sẽ được quản lý tập trung và thống nhất, phục vụ duy nhất cho mục đích phòng chống dịch. Theo Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19, hiện nguồn dữ liệu hiện đang phân tán ở các địa phương, bệnh viện, cơ sở xét nghiệm. Nguồn dữ liệu này sẽ được tập hợp đầy đủ, thống nhất trong thời gian sớm nhất.

Đáng chú ý, app PC-Covid sẽ đưa ra hiển thị 3 loại thẻ “xanh – vàng – đỏ” tương ứng với quy trình về thông tin dữ liệu dịch tễ do Bộ Y tế cung cấp. Đây là một trong những tính năng quan trọng trên PC-Covid. Màu thẻ được hiển thị tùy thuộc vào các dữ liệu của người dùng từ các hệ thống quản lý tiêm vaccine, hệ thống quản lý xét nghiệm…

Cụ thể, người có thẻ xanh sẽ được phép di chuyển, người có thè vàng hạn chế di chuyển, người có thẻ đỏ thì không được di chuyển (ở nhà)

2. Review nhẹ – Lỗi ngay từ khâu đăng nhập

REVIEW chiếc “app mới” dậy sóng cộng đồng mạng sáng nay.Hôm qua đã triển khai App PC-COVID Quốc gia để thống nhất sử dụng trong cả nước để phục vụ công tác phòng, chống COVID-19 đồng thời cấp “thẻ xanh” an toàn để người dân có thể đi lại và chính quyền các cấp có thể kiểm soát, ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh trong thời gian tới. Một số nơi đã “đóng cửa” quá lâu và cần phải trở lại trạng thái “bình thường” để tiếp tục cuộc sống. Nên app mới ra đời làm giải tỏa nỗi lo sau 1.10 một số nơi sẽ đi lại, ra đường, hoạt động… ra sao. Tuy nhiên, một lần nữa mình và bao nhiêu người (theo quan sát) đều thất vọng với chiếc “app mới” này.

1. Gọi là App mới nhưng không hẳn là mới, App tên “PC-COVID Quốc gia” với icon (biểu tượng) mới và Tên gọi mới nhưng thực chất vẫn là App Bluezone (v4.0) được triển khai từ năm 2020 và kêu gọi cài đặt trên mọi phương tiện truyền thông, đợt dịch 2021 app phát huy tác dụng được một số nơi nhưng trên địa bàn rộng thì chưa phát huy hiệu quả do số lượng cài đặt thấp do không phải ai cũng biết cài và sử dụng, tính năng chưa đột phá, có sự “lag lag” gì đó mà nhiều người tóm gọn là “vô dụng”. Nay tiếp tục triển khai mà ơ hay lại với icon và tên mới nhưng gói cài đặt lại vẫn là Bluezone (thấy sự sai sai gì đó trong việc triển khai rồi). Nhiều người cứ ngỡ app mới nên gỡ Bluezone hoặc vào cài thì bất ngờ nó lại là Bluezone (hài hước 🤣🤣🤣). Lẽ ra nên tạo một app mới hoàn toàn, để data mới, không trùng dữ liệu app cũ (ở máy người dùng) để không lấn cấn khi cài đặt. Chắc lại nghĩ bluezone đang nhiều người dùng nên khỏi cài cập nhật là được, ai ngờ đâu, nó chồng dữ liệu vì anh làm gói cài đặt ký signed khác thì làm sao mà GooglePlay tự hiểu là cập nhật. Nhiều bạn sau khi thấy đã cài đặt thì lại vào app và phát hiện nó vẫn là Bluezone, kích hoạt mãi không được. Thì bạn nên gỡ app Bluezone ra, sau đó vào tìm và cài đặt lại PC-COVID Quốc gia là được. Vi diệu chưa! Làm mình loay hoay cả buổi không biết vì sao. Mình trung thành quá không xóa bluezone rồi giờ mới ngộ ra là gỡ app BLuezone rồi mới cài lại thì mới ra app mới.

2. Sáng nay, người dùng cài đặt và kích hoạt OTP đều gặp sự cố chậm, nghẽn, lỗi…. đến bản thân mình thử 10 lần vẫn chưa hiện lên được cái QRcode. Nhiều bạn đã thực hiện được, thật may mắn! Tuy nhiên, không phải vậy đâu, như mình đã nói, bạn phải gỡ app Bluezone cũ ra trước, sau đó mới cài app PC-COVID thì mới được. Tuy nhiên, đến khi vào được thì đồng bộ không được, thẻ xanh không hiện ra đúng dữ liệu như bên app Sổ sức khỏe điện tử hoặc bla bla…. 😃 Điều này cho thấy sự thiếu chuẩn bị hoặc là chuản bị chưa kịp do tiến độ quá gấp (hơn 1 năm chưa xong, mà CP lại cho có 7 ngày làm sao được), lẽ ra nên công bố thông tin về app mới vài ngày trước mốc 1.10 để người dân cài đặt, cập nhật và tiến hành khai báo. Mấy hôm trước người ta cứ hoang mang không biết thẻ xanh là cái gì, app nào. Rồi thấy app Sức khỏe điện tử chưa có thẻ xanh khi tiêm (khái niệm app tư biên chứ có ai nói app đó chứng nhận thẻ xanh đâu) là lần mò đủ kiểu, rồi hoang mang lo lắng chờ đợi. Biết rằng tiến độ là gấp rút, IT làm việc hết công suất, thế nhưng nếu triển khai mà gập lỗi ban đầu thế này dễ làm người dân bối rối lại thành mất hứng, người dân lại thấy ức chế phiền hà. Và suy cho cùng thì cũng là thêm tính năng cho Bluezone chứ có phải cao siêu gì. Nếu triển khai datasync thì có thể lâu một chút nhưng trình độ của BKAV, Viettel, VNPT đâu phải hạng thường. Ủa?!

3. Về tính năng của app đã nêu trong website https://pccovid.gov.vn/. Là tổng hợp những thứ cần thiết, nhưng cái giao diện “phèn phèn” của Bluezone vẫn ám ảnh, rất khó tiếp cận với người dùng cơ bản, đặc biệt là người lớn tuổi, người không am hiểu dùng thiết bị thông minh. Thiết kế cái giao diện như app Sức khỏe điện tử, Y tế TP.HCM nó dễ thao tác hơn. App mới cũng thiếu những cài đặt hệ thống cần thiết, ví dụ tắt thông báo trên máy tránh làm phiền, ẩn thanh trạng thái hoạt động trên máy, chia sẻ app đến người khác, dùng vân tay, faceID, đăng xuất khi cần… dữ liệu vẫn chưa đồng bộ hoàn toàn, mọi thứ vẫn loading và không thấy kết quả. tính năng Lịch vẫn ở đó mà không biết cần để làm gì khi không đồng bộ được với lịch của hệ thống.

4. App thiếu tính bảo mật cơ bản thông tin người dùng mặc dù do một công ty tự xưng “bảo mật hàng đầu” phát triển hơn 1 năm qua. Người dùng đăng nhập, khai thông tin là rồi từ đó về sau vào app không cần qua bước bảo mật bằng mật khẩu, pin, vân tay, faceID mà vào thẳng app, có thể xem thông tin luôn. Việc để thông báo hiện trên thanh trạng thái thiết bị mà không mặc định ẩn đi khi người dùng không biết tự ẩn nó thì sẽ dễ dàng truy cập hơn nữa. Thông tin chưa rõ có được mã hóa dữ liệu đầu cuối hay chỉ là các sheet database rồi lỡ có sự cố là lộ sạch. Bổ sung: Và một thứ quan trọng không kém là cái mã QR hiện ra ở mainsreen của bạn thực chất là Vcard (hay namecard điện tử và mã số) nó không phải là một dãy số mã hóa, vì vậy, bạn hoàn toàn có thể dùng máy quét QR, camera thường để quét và lấy thông tin người khác rất dễ dàng. OMG.

5. Thiếu hướng dẫn sử dụng app, một thứ rất quan trọng đối với người mù công nghệ như mình. 😃

3. Những điểm cần cải tiến – theo Thái Triển

1. Xây dựng lại UI/UX dễ sử dụng, các chức năng đem hẳn ra bên ngoài. Hướng đến giao diện đơn giản nhất để người lớn tuổi/người không am hiểu có thể sử dụng.

2. Bảo mật 2 lớp cho App, nếu chưa kịp 2 lớp thì cũng phải có bảo mật qua PIN/pass/Vân tay/FaceID như các ứng dụng khác.

3. Thêm các tùy chọn cài đặt như chỉnh font chữ, ẩn thông báo, ẩn hiển thị trên thanh trạng thái, chia sẻ app…

4. Đảm bảo đồng bộ thông tin mới nhất trên cơ sở dữ liệu để đảm bảo hữu ích và có khả năng thay thế các app hiện tại.

5. Bảo mật mã hóa qrcode bằng mã hash hoặc mã số để truy vấn hệ thống nhằm tránh lộ toàn bộ thông tin bằng mã Qr code (vcard) như hiện tại.

6. Ngoài giải pháp app, còn giải pháp nào bổ sung nữa trong trường hợp không có internet.

Tóm lại, các bạn hãy cài đặt app mới để cùng có mạng lưới đồng bộ dữ liệu, gỡ Bluezone ra, vào tìm và cài đặt app mới PC-COVID Quốc gia bạn nhé. Vì một Việt Nam không có COVID!

What’s your Reaction?
+1
0
+1
0
+1
0
+1
0
+1
0
+1
0
+1
0
Thái Triển
WRITTEN BY

Thái Triển

Thái Triển là một designer nghiệp dư, yêu thích công nghệ, máy tính, vẽ vời, phát triển web và ứng dụng. Hiện tại mình đang làm Chủ tịch, CEO, Nhân viên kiêm luôn tạp vụ, giao hàng cho Công ty TNHH Thái Triển.