SDHC, SDXC là gì?
SDHC và SDXC đang là hai loại thẻ nhớ phổ biến nhất hiện nay. Về cơ bản đây là cách phân loại thẻ nhớ theo dung lượng. SDHC là chữ viết tắt của SD High Scapacity (thẻ nhớ SD hiệu suất cao), có dung lượng từ 4GB đến 32GB. Loại thẻ nhớ này xuất hiện cùng lúc với chuẩn USB 2.0, ra đời vào khoảng 1/2006. Hiện tại thẻ nhớ 4GB hầu như không còn nữa, do đó chúng ta sẽ có thẻ nhớ SDHC ở dung lượng 8GB, 16GB và 32GB.
Với nhu cầu lưu trữ ngày càng cao thì thẻ nhớ cũng có dung lượng cao hơn. Thẻ nhớ SDXC được viết tắt bởi SD eXtended Capacity (thẻ nhớ SD hiệu suất mở rộng) có dung lượng rất lớn, từ 64GB đến 2TB. SDXC xuất hiện cùng lúc với chuẩn USB 3.0, cho tốc độ đọc và ghi dữ liệu cao hơn.
Ngoài ra chúng ta còn có chuẩn thẻ nhớ SDSC (Standard Capacity – Hiệu suất tiêu chuẩn) với dung lượng tối đa 2GB, loại thẻ này đã không được sản xuất nữa do 2GB là dung lượng lưu trữ quá nhỏ hiện nay. Chuẩn thẻ nhớ sau SDXC sẽ là SDUC (Ultra Capacity – Siêu hiệu suất) với dung lượng tối đa 128TB và tốc độ tối đa 985 MB/s. Tuy nhiên sẽ phải vài năm nữa thì SDUC mới trở nên phổ biến, còn bây giờ chúng ta chỉ cần quan tâm đến SDHC và SDXC.
Tốc độ thẻ nhớ
Hiệp hội SD đã đưa ra một cách để chuẩn hóa các xếp hạng tốc độ cho thẻ nhớ. Các chuẩn đó được gọi là Cấp tốc độ và biểu thị tốc độ ghi duy trì tối thiểu tuyệt đối cho cả thẻ SD và microSD. Có ba loại cấp tốc độ:
- Cấp tốc độ
- Cấp tốc độ UHS
- Cấp tốc độ video
- Cấp hiệu năng ứng dụng
Các con số có biểu tượng chữ “C” hình tròn, biểu tượng chữ “U” hoặc biểu tượng chữ “V” nằm bên cạnh hoặc bao quanh biểu thị cho các cấp tốc độ của thẻ nhớ. Các nhà sản xuất sử dụng các biểu tượng cấp tốc độ này để cho biết về loại cấp tốc độ và xếp hạng trên thẻ nhớ. Các biểu tượng này nhằm giúp người tiêu dùng chọn được loại thẻ nhớ phù hợp về tốc độ cho thiết bị phần cứng của họ.
Speed Class (Cấp tốc độ)
Cấp tốc độ đầu tiên được gọi đơn giản là cấp tốc độ ban đầu và được biểu thị bằng biểu tượng chữ “C”. Có bốn xếp hạng trong Cấp tốc độ:
- C2 (Class 2): tốc độ ghi tối thiểu là 2MB/giây
- C4 (Class 4): tốc độ ghi tối thiểu là 4MB/giây
- C6 (Class 6): tốc độ ghi tối thiểu là 6MB/giây
- C10 (Class 10): tốc độ ghi tối thiểu là 10MB/giây
C2 là cấp tốc độ chậm nhất còn C10 là cấp tốc độ tiêu chuẩn ngành. Do các thiết bị phần cứng mới hơn yêu cầu các cấp tốc độ mới hơn với tốc độ và khả năng cao hơn nên ngày nay hầu như không ai sử dụng cấp tốc độ từ Class 2–6. C10 thường là yêu cầu cấp tốc độ tối thiểu cho hầu hết các thiết bị phần cứng được sản xuất ngày nay, đồng thời đây là thẻ nhớ được mua nhiều nhất trên thị trường.
Tốc độ bus (tốc độ mặc định / tốc độ cao / UHS / SD Express)
Cấp tốc độ tiếp theo là Cấp tốc độ UHS (Tốc độ cực cao) và được biểu thị bằng biểu tượng chữ “U”. Có hai xếp hạng trong Cấp tốc độ UHS:
- U1 (Cấp tốc độ UHS 1): tốc độ ghi tối thiểu là 10MB/giây
- U3 (Cấp tốc độ UHS 3): tốc độ ghi tối thiểu là 30MB/giây
Ngày nay, Cấp tốc độ UHS được sử dụng phổ biến hơn loại Cấp tốc độ và nhiều máy ảnh cao cấp yêu cầu sử dụng tối thiểu thẻ nhớ được xếp hạng U3 để chạy nhiều các chức năng như quay video độ phân giải cao. Cấp tốc độ UHS chủ yếu đề cập đến hiệu năng ghi duy trì tối thiểu để quay video và được ra đời do các thiết bị quay video hỗ trợ 4K cần tốc độ ghi nhanh hơn. Quy tắc đơn giản nhất cần nhớ là các máy quay có khả năng quay video 4K thường sẽ yêu cầu ít nhất thẻ SD được xếp hạng U3.
Yếu tố khiến cho thẻ nhớ U1 và U3 tiên tiến hơn so với thẻ nhớ được xếp hạng Cấp tốc độ là vì các thẻ nhớ đó sử dụng một trong hai giao diện bus UHS dưới đây:
- UHS-I: tốc độ truyền tối đa lý thuyết lên đến 104MB/giây
- UHS-II: tốc độ truyền tối đa lý thuyết lên đến 312MB/giây
Cả thẻ nhớ U1 và U3 đều có thể sử dụng giao diện bus UHS-I nhưng không tương thích với giao diện bus UHS-II.
Các giao diện bus UHS này cho biết tốc độ đọc và ghi tối đa trên lý thuyết, không giống như tốc độ ghi duy trì của các cấp tốc độ. Các giao diện bus UHS được biểu thị bằng ký hiệu chữ số La mã “I” hoặc “II” ở mặt trước của thẻ. Tốc độ bus đề cập đến tốc độ truyền dữ liệu lý thuyết của chính giao diện đó còn thẻ SD được xếp hạng U3 có tốc độ ghi duy trì là 30MB/giây. Ví dụ như một thẻ được xếp hạng UHS-I U3 sẽ chắc chắn có tốc độ ghi là 30MB/giây, nhưng có khả năng đạt tốc độ đọc và ghi lên đến 104MB/giây nếu được dùng với thiết bị hỗ trợ giao diện bus UHS-I.
Thẻ tương thích UHS-II có tốc độ đọc và ghi tiềm năng lên đến 312MB/giây. Các giao diện bus UHS này đều tương thích ngược nên bạn có thể sử dụng thẻ UHS-II trong một thiết bị có hỗ trợ UHS-I, nhưng bạn sẽ không thấy được lợi ích về tốc độ của UHS-II vì thẻ sẽ mặc định quay lại các thông số kỹ thuật thấp hơn của UHS-I. Cả thẻ và giao diện bus phải hoàn toàn tương thích thì mới có được những lợi ích về tốc độ.
Video Speed Class (Cấp tốc độ video)
Cấp tốc độ video mới nhất được tạo ra để hỗ trợ độ phân giải video cao hơn và các tính năng quay như luồng nhiều video, chụp 360 độ, nội dung thực tế ảo (VR) và video độ phân giải 4K hoặc 8K. Các cấp tốc độ này thường được ký hiệu bằng biểu tượng chữ “V”. Có năm xếp hạng trong Cấp tốc độ video:
- V6 (Cấp tốc độ video 6): tốc độ ghi tối thiểu là 6MB/giây
- V10 (Cấp tốc độ video 10): tốc độ ghi tối thiểu là 10MB/giây
- V30 (Cấp tốc độ video 30): tốc độ ghi tối thiểu là 30MB/giây
- V60 (Cấp tốc độ video 60): tốc độ ghi tối thiểu là 60MB/giây
- V90 (Cấp tốc độ video 90): tốc độ ghi tối thiểu là 90MB/giây
Cấp tốc độ video có tính độc đáo vì có khả năng sử dụng cả giao diện bus UHS-I và UHS-II. Các thẻ nhớ có cấp tốc độ V6 đến V90 có thể sử dụng giao diện bus UHS-II, nhưng giao diện bus UHS-I chỉ có thể hỗ trợ thẻ nhớ có cấp tốc độ từ V6 đến V30.
Cấp tốc độ video cung cấp tốc độ nhanh nhất hiện có và là tốc độ lý tưởng cho video có độ phân giải cực cao, video chất lượng cao và tính năng quay cùng lúc nhiều tệp ở máy bay không người lái và máy ảnh 360 độ. Cấp tốc độ này hỗ trợ các định dạng HD lên đến video 8K ở máy bay không người lái, camera 360 độ, máy ảnh hành động và máy ảnh thực tế ảo (VR).
Bạn có thể tìm được thẻ nhớ phù hợp nhất cho thiết bị phần cứng của mình bằng cách chọn loại cấp tốc độ bằng hoặc cao hơn mức yêu cầu cho thiết bị của mình. Ví dụ như nếu thiết bị của bạn yêu cầu thẻ nhớ Class 4, bạn có thể sử dụng Cấp tốc độ Class 4, 6 hoặc 10. Nếu thiết bị của bạn yêu cầu thẻ Cấp tốc độ UHS 1, bạn có thể sử dụng Cấp tốc độ UHS 1 hoặc 3. Điều này cũng tương tự khi chọn Cấp tốc độ video. Lưu ý rằng khi sử dụng thẻ có xếp hạng cao hơn vượt quá yêu cầu về cấp tốc độ cho thiết bị thì thẻ vẫn sẽ hoạt động, nhưng bạn sẽ không được hưởng đầy đủ lợi ích của cấp tốc độ cao hơn vì thiết bị chỉ hỗ trợ cấp tốc độ thấp hơn.
Application Performance Class (cấp hiệu năng ứng dụng)
Ngày nay, việc cài đặt ứng dụng và dữ liệu ứng dụng vào thẻ nhớ SD thường được thực hiện như một cách mở rộng bộ nhớ, chẳng hạn trong trường hợp chiếc điện thoại thông minh không có đủ bộ nhớ trong. Nhu cầu mở rộng bộ nhớ ứng dụng thậm chí trở nên mạnh mẽ hơn khi tính năng Adoptable Storage dành cho các thiết bị Android được giới thiệu. Nhu cầu về sự kết hợp để cải thiện mức hiệu năng ngẫu nhiên và tuần tự ngày càng tăng.
Application Performance Class được giới thiệu nhằm mang lại sự hoạt động trơn tru trong quá trình thực thi ứng dụng, như biên dịch dữ liệu đang được lưu trữ trên thẻ nhớ SD.
Application Performance Class 1 (A1) được định nghĩa bởi đặc tính kỹ thuật SD Physical 5.1. Nó không những có thể lưu trữ bản đồ, hình ảnh, video, nhạc, từ điển và tài liệu mà còn giúp người dùng thoát khỏi tình trạng chậm chạp để chỉnh sửa và cập nhật dữ liệu.
Application Performance Class 2 (A2) được định nghĩa bởi đặc tính kỹ thuật SD Physical 6.0. Với đặc tính này, hiệu năng của thẻ nhớ SD cao hơn nhiều so với hiệu năng A1 bằng cách sử dụng các tính năng Command Queuing (xếp hành lệnh) và Cache (bộ nhớ đệm). Hỗ trợ quản lý bộ nhớ flash hiệu quả qua tính năng Maintenance (bảo dưỡng). Application Performance Class có thể được áp dụng cho thế hệ sản phẩm thẻ nhớ UHS SDHC/SDXC.
Bảng bên dưới mô tả tóm tắt đặc tính kỹ thuật của Application Performance Class 1 (A1) và Class 2 (A2) bao gồm ký hiệu, IOPS đọc/ghi ngẫu nhiên trung bình tối thiểu (IOPS trong trường hợp này nghĩa là số lệnh đọc/ghi 4KB có thể được thực thi mỗi giây) và tốc độ ghi tuần tự duy trì tối thiểu (MB/s). Những yêu cầu về hiệu năng này dựa trên việc đo lường ở các điều kiện nhất định theo đặc tính kỹ thuật.