Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm vừa công bố thể lệ Cuộc thi thiết kế Logo, nhãn hiệu công nhận và bộ nhận diện “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam”.
Theo đó, Cuộc thi thiết kế logo, nhãn hiệu công nhận và bộ nhận diện “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” giai đoạn 2020-2030 nhằm triển khai thực hiện Đề án Xây dựng, quảng bá thương hiệu Quốc gia “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” giai đoạn 2020 – 2030.
Chọn mẫu Logo, nhãn hiệu công nhận và bộ nhận diện “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” để sử dụng trong các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, thúc đẩy sự phát triển của Nghệ thuật sơn mài Việt Nam góp phần phát triển thị trường văn hoá, chấn hưng và khẳng định giá trị của Sơn mài Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh giao lưu, chú trọng quảng bá thương hiệu quốc gia thông qua việc giới thiệu các sản phẩm, tác phẩm sơn mài Việt Nam trở thành sản phẩm văn hoá, nghệ thuật góp phần xây dựng công nghiệp văn hoá. Khuyến khích các doanh nghiệp, làng nghề, nghệ sĩ, nghệ nhân chế tác, sáng tác các sản phẩm sơn mài trở thành những sản phẩm hàng hóa tiêu thụ trong nước và quốc tế.
Cuộc thi thể hiện tính chuyên nghiệp, nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học, khách quan; được tổ chức rộng rãi trên quy mô toàn quốc, thu hút được sự tham gia đông đảo của các tổ chức và cá nhân.
Cuộc thi dành cho đối tượng là các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước.
Tác phẩm dự thi Logo, nhãn hiệu công nhận và bộ nhận diện “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” cần thể hiện được nét đặc trưng riêng, tính sáng tạo, phù hợp với mục tiêu quảng bá thương hiệu quốc gia của ngành Mỹ thuật ra thị trường quốc tế.
Logo, nhãn hiệu công nhận “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” có tính duy nhất, biểu tượng cao, cô đọng, sáng tạo, không trùng lặp với bất cứ sản phẩm nào khác.
Màu sắc không quá 4 màu, phù hợp để in ấn, chạm khắc… trên các chất liệu. Logo, nhãn hiệu công nhận phải gắn với dòng chữ “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam”.
Tác phẩm thể hiện trên 01 trang giấy trắng khổ A4. Mặt trước của trang giấy A4 là Logo, nhãn hiệu công nhận “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” in màu, kích cỡ mỗi chiều không quá 15cm đặt giữa trang giấy; phía dưới, bên phải là Logo thu nhỏ in đen trắng, kích cỡ mỗi chiều không quá 3cm. Mặt sau của trang giấy A4, tác giả ghi mã số tự chọn gồm 5 chữ số (VD: 01234).
Ngoài những nội dung trên, mặt trước, mặt sau trang giấy không được ký tên và không được sử dụng bất cứ ký hiệu nào khác. Mỗi tác giả được gửi từ 01 đến 05 tác phẩm tham gia Cuộc thi; mỗi tác phẩm dự thi phải ghi rõ mã số riêng. Sau khi Hội đồng nghệ thuật chấm chọn logo, nhãn hiệu công nhận Ban Tổ chức sẽ thông báo để các tác giả được chọn thực hiện thiết kế bộ nhận diện theo yêu cầu.
Mỗi tác phẩm dự thi phải kèm theo một bài thuyết minh ý tưởng sáng tác (không quá 200 từ); trên bài thuyết minh ghi rõ mã số giống như mã số đã ghi ở mặt sau tác phẩm dự thi.
Mỗi tác giả dự thi đều phải có một phiếu đăng ký dự thi, nội dung theo mẫu. Hồ sơ dự thi gồm 01 phong bì lớn, ngoài phong bì ghi rõ: bài dự thi Logo, nhãn hiệu công nhận “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” và gửi về Phòng Mỹ thuật, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm – 38 Cao Bá Quát, Ba Đình, Hà Nội.
Ban Tổ chức cấp giấy chứng nhận cho các tác giả, đơn vị đoạt giải và tiền thưởng kèm theo: 01 giải Nhất: 30 triệu đồng; 01 giải Nhì: 10 triệu đồng; 01 giải Ba: 5 triệu đồng; 03 giải khuyến khích: mỗi giải 2 triệu đồng.
BTC nhận bài dự thi đến ngày 30/9 và Lễ tổng kết, trao thưởng dự kiến được tổ chức vào tháng 11/2021./.