Để phòng tránh những mất mát khủng khiếp do Covid-19, thứ vũ khí duy nhất để chống lại là vắc xin. Khi nào Việt Nam có vaccine Covid-19 (Vaccine Corona virus)? Hiệu quả phòng bệnh ra sao? Giá vaccine Covid-19 như thế nào? Lịch tiêm vaccine covid gồm mấy mũi?… đang là những câu chuyện được hàng triệu người quan tâm.
Vaccine Covid-19 là gì?
Vaccine Covid-19 là chủng loại vắc xin phòng viêm đường hô hấp cấp, giúp ngăn ngừa vi rút Corona. Hiện nay, đã có rất nhiều đơn vị công bố sản xuất vacxin ngừa Corona virus thành công và cho hiệu quả khá tích cực.
Cuối tháng 2/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bày tỏ lo ngại về một loại vaccine phòng viêm đường hô hấp cấp do virus Sars-Cov-2 có thể sản xuất thành công trong vòng 18 tháng. Nhưng chỉ 8 tháng sau đó, đã có hơn 320 ứng viên tham gia vào cuộc đua nghiên cứu và thử nghiệm vaccine Covid-19 trên toàn cầu, đưa Covid-19 trở thành loại vắc xin có tốc độ nghiên cứu nhanh nhất trong lịch sử.
Tháng 11/2020, 56 ứng cử viên vắc xin đang trong quá trình nghiên cứu lâm sàng, trong đó, ứng viên của AstraZeneca là một trong những loại vắc xin phòng bệnh Covid-19 vươn lên top dẫn đầu cuộc đua khi nhà sản xuất công bố kết quả khả quan từ các phân tích của thử nghiệm lâm sàng vắc xin pha III, đồng thời đưa ra hy vọng tươi sáng hứa hẹn đã sẵn sàng cung cấp 3 tỷ liều vắc xin cho người dân trên toàn cầu.
Việc tìm kiếm một loại vắc xin an toàn và hiệu quả đề phòng ngừa nguy cơ nhiễm Covid-19 đang là vấn đề quan tâm hàng đầu hiện nay. Hiểu được tầm quan trọng của vaccine Covid-19 đối với sức khỏe cộng đồng, Hệ thống tiêm chủng VNVC đã liên tục nỗ lực tiếp cận với nhiều hãng vắc xin danh tiếng trên thế giới nhằm thực hiện hóa giấc mơ mang vaccine Covid về Việt Nam, và giấc mơ đã thành hiện thực.
Lần đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, Hệ thống trung tâm tiêm chủng trẻ em và người lớn VNVC chính thức đưa vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca về Việt Nam. Vắc xin do Đại học Oxford và Tập đoàn dược phẩm hàng đầu Thế giới (Vương quốc Anh) sản xuất.
Đây là loại vắc xin có nhiều ưu điểm, tính sinh miễn dịch cao, an toàn, giá thành hợp lý, được chứng minh hiệu quả vượt ngoài mong đợi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kỳ vọng sẽ chặn đứng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Sars-Cov-2 tại Việt Nam và góp phần dập tắt đại dịch Covid-19 trên toàn cầu.
Cơ chế sinh miễn dịch của vaccine Covid-19
1. Miễn dịch thụ động
Miễn dịch thụ động chống Covid-19 có thể đạt được nhờ huyết thanh từ bệnh nhân đã hồi phục sau khi nhiễm virus Sars-Cov-2, huyết thanh này chứa lượng lớn kháng thể miễn dịch, từ Globulin siêu miễn dịch – chẳng hạn như globulin miễn dịch với cytomegalovirus (CMVIG) được thu thập từ nhiều người hiến khác nhau hoặc với kháng thể trung hòa đơn dòng.
2. Miễn dịch chủ động
Hiện nay, có đến hơn 100 loại vắc xin Covid-19 đang ở các giai đoạn phát triển tiền lâm sàng. Các loại vắc xin tác động theo những cơ chế khác nhau để tạo ra miễn dịch, nhưng với tất cả các loại vắc xin Covid-19 đều có cơ chế chung là ngoài việc tạo ra kháng thể chống lại virus, vắc xin còn có thể tạo ra tế bào lympho T và lympho B ghi nhớ để chiến đấu với tác nhân gây bệnh, chống lại chúng nếu bị tấn công trong tương lai.
Cho đến hiện tại, các chuyên gia vẫn đang tìm hiểu xem thời gian mà các tế bào ghi nhớ này bảo vệ cơ thể khỏi virus Sars-Cov-2 là bao lâu.
Đối với COVID-19 Vaccine AstraZeneca, cơ thể phát triển khả năng miễn dịch, phòng tác nhân gây bệnh virus SARS-CoV-2. Những loại vắc xin khác nhau sẽ có những tác động khác nhau để cơ thể đáp ứng miễn dịch, tuy nhiên có một điểm chung trong cách thức hoạt động của vắc xin là ngoài việc tạo ra kháng thể chống lại virus, vắc xin còn có thể tạo ra tế bào miễn dịch, gọi là tế bào lympho T, lympho B ghi nhớ để chống lại “kẻ xâm lược” – virus trong tương lai.
Vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca được sản xuất theo theo cơ chế vector, tức là vắc xin sử dụng virus adeno mất khả năng sao chép của tinh tinh, dựa trên phiên bản suy yếu của virus adeno (virus cúm gây bệnh ở tinh tinh), có chứa vật chất di truyền là protein gai bề mặt của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có tên là Spike hoặc S. Protein. Mặt khác, Spike là thành phần tiên phong mở đường tiến công cho virus SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể con người và cũng là mục tiêu tấn công của hệ miễn dịch khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập.
Sau khi tiêm vắc xin, protein gai bề mặt được sản xuất, hệ thống miễn dịch tiếp tục tạo ra các tế bào ghi nhớ. Những tế bào này sẽ phát hiện ra virus SARS-CoV-2 nếu loại virus này tấn công cơ thể trong tương lai, bằng cách nhận ra protein tăng đột biến trên bề mặt của virus. Nếu các tế bào miễn dịch đi qua virus SARS-CoV-2 trong cơ thể, chúng sẽ sản xuất ra nhiều kháng thể và tế bào T rất nhanh, điều này ngăn chặn virus lây lan và làm giảm biến chứng, nguy hiểm do bệnh COVID-19 gây ra.
Có những loại vắc xin Covid nào?
Một trong những đặc điểm độc đáo của cuộc chạy đua sản xuất vacxin corona là sự khác biệt giữa các ứng viên vắc xin và công nghệ sản xuất vắc xin. Theo đó, các loại vaccine Covid-19 hiện tại đang được sản xuất theo 3 cơ chế:
- Vắc xin mRNA: Vaccine đưa phân tử RNA được tổng hợp vào tế bào của cơ thể. Khi đã vào trong tế bào, mRNA tổng hợp của vaccine hoạt động như một mRNA tự nhiên, khởi động tổng hợp protein mới (bình thường protein này do virus tổng hợp). Đến lượt protein mới này kích hoạt đáp ứng miễn dịch của cơ thể (adaptive immune response) chống lại protein của virus. Như vậy cơ thể được nhận vaccine, vừa tạo kháng nguyên (protein của virus), vừa tạo đáp ứng miễn dịch chống lại protein này (kháng thể + đáp ứng tế bào).
- Vắc xin protein: Vắc xin này bao gồm các mảnh protein tinh khiết của virus Sars-Cov-2. Sau khi tiêm vắc xin vào cơ thể, hệ miễn dịch ghi nhận rằng protein này là “kẻ xâm nhập” và phản ứng miễn dịch tạo ra kháng thể. Đồng thời, vắc xin giúp tế bào ghi nhớ nhận diện tác nhân gây bệnh, tiến hành tiêu diệt chúng nếu bị tấn công trong tương lai.
- Vắc xin vector: Các loại vắc xin dựa trên vi rút vector khác với hầu hết các loại vắc xin thông thường ở chỗ chúng không thực sự chứa kháng nguyên, mà sử dụng chính tế bào của cơ thể để sản xuất chúng. Vắc xin được sản xuất bằng cách sử dụng một loại virus đã được biến đổi (vector) để vận chuyển mã di truyền cho kháng nguyên. Đối với vắc xin phòng virus Sars-Cov-2, mã di truyền là các protein gai trên bề mặt của virus. Khi vắc xin tiêm vào trong cơ thể, nó sẽ kích thích cơ thể tạo ra một lượng lớn kháng nguyên. Những kháng nguyên này sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch. Vắc-xin bắt chước những gì xảy ra trong quá trình lây nhiễm tự nhiên với một số mầm bệnh – đặc biệt là vi rút. Điều này có lợi thế là kích hoạt phản ứng miễn dịch tế bào mạnh mẽ của tế bào T cũng như sản xuất kháng thể của tế bào B.
Vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca được Hệ thống tiêm chủng VNVC đưa về Việt Nam là vắc xin vector. Công nghệ vector virus của AstraZeneca là công nghệ mới, đa năng, cho hiệu suất cao, không phụ thuộc vào việc nuôi cấy toàn thể tác nhân gây bệnh, công nghệ này cũng được đánh giá phù hợp để sản xuất các vắc xin đối phó với các đại dịch toàn cầu.
1. Các loại vắc xin phòng Covid-19 đang nghiên cứu và sản xuất tại Việt Nam
Trong cuộc “chạy đua với thời gian” để nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vắc xin Covid-19, Việt Nam đã ngay lập tức bắt tay vào nghiên cứu, sản xuất vắc xin này. Có 4 đơn vị được chỉ định nghiên cứu, trong đó có đến 3 đơn vị có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu, sản xuất vắc xin tại Việt Nam.
Theo đó, dự kiến sẽ có 4 loại vắc xin phòng Covid-19 do Việt Nam sản xuất là:
STT | Tên vắc xin | Nhà sản xuất | Bản chất | Phác đồ tiêm | Giá tiền (vnd) | Đặt lịch tiêm |
1 | Nanocovax | Nanogen (Việt Nam) | Protein tái tổ hợp | Gồm 2 mũi cơ bản, mỗi mũi cách nhau 28 ngày, và tiêm nhắc sau 1 năm. | Chưa công bố | |
2 | Chưa đặt tên | Vabiotech (Việt Nam) | Vector virus | Chưa có dữ liệu | Chưa công bố | |
3 | Chưa đặt tên | IVAC (Việt Nam) | Vector virus | Chưa có dữ liệu | Chưa công bố | |
4 | Chưa đặt tên | PoLyvac (Việt Nam) | Vector virus | Chưa có dữ liệu | Chưa công bố |
2. Các loại vắc xin phòng Covid-19 khác đang nghiên cứu và sản xuất trên thế giới
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đe dọa sức khỏe và tính mạng của hàng triệu người dân toàn thế giới, các nhà khoa học đang nỗ lực chạy đua với thời gian, để có thể sớm ra đời loại vắc xin an toàn và hiệu quả, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.
Đến nay, đã hơn một năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, các loại vắc xin phòng Covid-19 đầy hứa hẹn đang bước vào những giai đoạn nước rút trước khi được chính thức tung ra thị trường. Theo đó, những ứng cử viên vắc xin phòng Covid-19 sáng giá nhất đang được nghiên cứu và sản xuất trên thế giới hiện nay là:
STT | Tên vắc xin | Nhà sản xuất | Bản chất | Trụ sở |
1 | Vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca | The University of Oxford; AstraZeneca; (Anh) | Vắc xin vector (adenovirus) | Vương quốc Anh |
2 | Sputnik V | Viện nghiên cứu Gamaleya (Nga) | Vắc xin vector (adenovirus) | Viện nghiên cứu Gamaleya |
3 | BNT162b2 | Pfizer, BioNTech (Đức, Mỹ) | mRNA | Châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc |
4 | mRNA-1273 | Moderna (Mỹ) | mRNA | Viện nghiên cứu sức khỏe Kaiser Permanente Washington Washington Health Research Institute |
5 | Ad5-nCoV | CanSino Biologics (Trung Quốc) | Vắc xin vector (adenovirus) | Bệnh viện Tongji Vũ Hán, Trung Quốc |
6 | JNJ-78436735 (Ad26.COV2.S) | Johnson & Johnson (Mỹ) | Vắc xin vector (adenovirus) | Johnson & Johnson |
7 | NVX-CoV2373 | Novavax (Mỹ) | Vắc xin “protein dạng mảnh (protein gai của virus SARS-CoV-2)” | Novavax |
8 | BBIBP-CorV | Viện sinh phẩm sinh học Bắc Kinh (CNBG); Tập đoàn dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) | Vắc xin bất hoạt | Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Hà Nam |
9 | CoronaVac | Sinovac (Trung Quốc) | Vắc xin bất hoạt | Công ty TNHH Nghiên cứu và Phát triển Sinovac |
10 | Covaxin | Bharat Biotech; National Institute of Virology (Ấn Độ) | Vắc xin bất hoạt | Bharat Biotech và Viện Y học quốc gia |
11 | COVAX-19 | Vaxine Pty Ltd. (Úc) | Vắc xin protein tái tổ hợp đơn giá | Bệnh viện Hoàng gia Adelaide (Australia) |
Công dụng của vắc xin phòng vi rút Sars-Cov-2
Lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao là sự kết hợp đặc biệt nguy hiểm của virus Sars-Cov-2. Từ khi Covid-19 xuất hiện, hệ thống y tế hiện đại khắp toàn cầu đã rơi vào tình trạng quá tải, hàng triệu bác sĩ, nhân viên y tế bị mắc bệnh phải phát tín hiệu cầu cứu đến chính phủ. Ngay trong thời điểm khẩn cấp y tế công cộng quốc tế, việc thúc đẩy sản xuất vắc xin và chia sẻ vắc xin là vấn đề cực kỳ quan trọng được WHO lan tỏa nhằm chấm dứt đại dịch trên toàn cầu.
Cuộc đua sản xuất vaccine Covid-19 hiện đang bước vào giai đoạn bứt phá với hy vọng sớm chấm dứt đại dịch. Chính phủ các nước và tập đoàn dược phẩm lớn trên thế giới đang dốc sức trên chặng nước rút này. Nhiều hãng đã ghi nhận những thành công bước đầu, bên cạnh một số thử nghiệm lâm sàng vẫn còn đang được tiếp tục.
Tại Việt Nam, sự xuất hiện của vacxin corona như một sự kiện lớn mang đến niềm vui chung cho hàng triệu người dân. Có vắc xin, hiệu quả miễn dịch trong cộng đồng được nâng cao, cuộc chiến Covid-19 sẽ chấm dứt, người dân được bảo vệ khỏi Covid-19, tái thiết lập cuộc sống bình thường, an toàn và khỏe mạnh.
Vắc xin là vũ khí giảm số ca tử vong và mắc Covid-19 nghiêm trọng, duy trì hoạt động chức năng của xã hội, giảm gánh nặng bệnh tật, giảm áp lực kinh tế, gia tăng cơ hội để người dân được hưởng sức khỏe thể chất và tinh thần toàn diện.
Giá Vaccine Covid 19 là bao nhiêu?
Chi phí cho mỗi liều từ $3 đến $37, tùy thuộc vào loại vắc xin.
Moderna, một loại vắc-xin hai liều, được công bố gần đây mỗi liều sẽ có giá khoảng $32 đến $37.
Thuốc chủng ngừa Pfizer, cũng được tiêm hai liều, dự kiến có giá $19,50 một liều.
Mỗi liều vắc xin một liều của Johnson & Johnson sẽ có giá ước tính là $10 và vắc xin hai liều của AstraZeneca có thể rẻ nhất chỉ từ $3 đến $4 một liều.
Thuốc chủng ngừa hai liều của Novavax được ước tính là $16 một liều.
Tiến trình mua Vaccine của Việt Nam (theo thông tin báo chí)
Tình hình đàm phán, tìm mua Vaccine của các đơn vị nước ngoài
Từ giữa năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, các nước lao vào cuộc đua sản xuất vắc xin, Bộ Y tế đã chủ động tiếp cận với nhiều nguồn cung ứng vắc xin khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên, so với dự kiến ban đầu, nhiều nguồn cung lại trễ hẹn.
Chẳng hạn, lô vắc xin đầu tiên trong cam kết hỗ trợ 30 triệu liều của COVAX Facility sẽ về Việt Nam vào cuối tháng 3-2021 nhưng khi nguồn cung vắc xin trên toàn cầu gặp khó khăn, việc xuất khẩu ở các nước sản xuất vắc xin bị hạn chế nên lô này dự kiến phải lùi đến năm 2022.
Đến thời điểm này ở Việt Nam, hệ thống tiêm chủng VNVC là đơn vị duy nhất được Hãng AstraZeneca (Anh) lựa chọn cung ứng vắc xin phòng COVID-19.
Để có được 117.600 liều vắc xin đầu tiên vào tháng 2, trước đó VNVC đã phải trải qua một hành trình phiêu lưu: từ năm 2020, đơn vị này đã mạo hiểm đầu tư rủi ro khi ký hợp đồng mua 30 triệu liều vắc xin của AstraZeneca với số tiền đặt cọc 600 tỉ đồng.
“Ngoài lượng vắc xin đầu tiên, dự kiến sẽ có 29,87 triệu liều vắc xin về Việt Nam trong quý 2 và quý 3, nhưng thời gian chính xác có thể phải lùi lại do khó khăn về cung ứng vắc xin trên thế giới”, Bộ Y tế nhận định.
Ngoài các nguồn cung ứng vắc xin nói trên, Việt Nam đang nhắm đến hai loại vắc xin của Sputnik V (Nga), Pfizer (Mỹ) với mục tiêu “số lượng tối đa” và “cung ứng trong thời gian sớm nhất”, nhưng đến nay vẫn chưa có lộ trình cung ứng cụ thể.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 17.5.2021, Bộ Y tế đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, xin ý kiến các thành viên Chính phủ để thống nhất việc mua vaccine phòng COVID-19 của Pfizer (Mỹ) và chuẩn bị ký thỏa thuận mua 31 triệu liều vaccine với Pfizer.
Quá trình đàm phán để đi đến thoả thuận này với Pfizer đã được Bộ Y tế liên tục thúc đẩy trong suốt thời gian qua. Đại diện Pfizer tại Việt Nam đã ghi nhận những nỗ lực và mong muốn của Bộ Y tế để có thể có vaccine cho người dân.
Nội dung đàm phán tập trung vào những điều khoản trong thoả thuận giữa hai bên liên quan đến trách nhiệm pháp lý, vấn đề thanh toán, bồi hoàn và các rủi ro khi thực hiện thoả thuận trên nguyên tắc bảo đảm tuân thủ luật pháp của Việt Nam và luật pháp quốc tế.
Như vậy, Việt Nam sẽ có 31 triệu liều vaccine của Pfizer được cung cấp vào quý III và quý IV trong năm nay, bảo đảm thực hiện theo lộ trình cung ứng vaccine mà hai bên đã trao đổi và thống nhất trong thời gian qua.
Cũng trong thời gian qua, Bộ Y tế đã liên tục có những trao đổi, đàm phán với nhiều đơn vị sản xuất vaccine phòng COVID-19 như Astra Zeneca, Moderna, Gamelaya (Nga)… với mục tiêu có đủ và đa dạng vaccine phòng COVID-19 phục vụ người dân và đang đẩy mạnh việc tiếp cận để chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.
Sáng 1/4, Bộ Y tế cùng các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã đón nhận 811.200 liều vaccine COVID-19 tại sân bay Nội Bài, Hà Nội, do COVAX tài trợ. Đây là lô vắc xin thứ hai được phân phối tại nước ta, rất quan trọng, ưu tiên cho những người ở tuyến đầu chống dịch, đảm bảo phòng tuyến cho lực lượng làm công tác y tế, hỗ trợ cách ly.
Ngày 1-6, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC tiếp tục nhận lô thứ 2 với 287.600 liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca theo Hợp đồng đặt mua 30 triệu liều với AstraZeneca, nâng tổng số vắc xin đã về Việt Nam theo hợp đồng này là 405.200 liều.
Như vậy, chúng ta hiện có hơn 1 triệu liều vắc xin tính đến 1.6.2021.
Phát triển Vaccine trong nước
Dự kiến vào ngày 7-4, Viện Nghiên cứu y dược học quân sự (Học viện Quân y) sẽ hoàn thành tiêm mũi 2 cho 280 người tham gia tình nguyện thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nano Covax. Ngoài ra, có 280 người khác cũng được tiêm mũi 2 tại Long An.
Sau đó một tuần, 2 đơn vị tham gia thử nghiệm lâm sàng sẽ lấy mẫu máu đánh giá hiệu quả bảo vệ sau tiêm, liều tối ưu… và chuẩn bị báo cáo để chuyển sang giai đoạn 3 của thử nghiệm lâm sàng.
Nano Covax là vắc xin có triển vọng ra thị trường sớm nhất trong 3 vắc xin nội địa đang ở giai đoạn thử nghiệm trên người.
Ở giai đoạn 1 của thử nghiệm (từ 17-12-2020 đến tháng 1-2021), nhóm nghiên cứu đã tiêm vắc xin này cho 60 người ở 3 mức liều 25, 50 và 75mcg và hiệu quả chuyển đảo huyết thanh (chứng tỏ hiệu quả miễn dịch) rất tốt.
Ở giai đoạn 2, có 2 đơn vị tham gia nghiên cứu là Viện Nghiên cứu y dược học quân sự (Học viện Quân y) và Viện Pasteur TP.HCM, với 560 người được tiêm. Dự kiến đến 4-4, riêng tại Hà Nội đã có 150 người hoàn thành 2 mũi tiêm.
Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết trong toàn bộ giai đoạn nghiên cứu đến nay không ghi nhận bất kỳ trường hợp nào gặp phản ứng nặng sau tiêm, chỉ có một tỉ lệ gặp phản ứng nhẹ như sưng, đỏ, đau vết tiêm và sốt nhẹ.
Ngày 1-4, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, người đã tiêm đủ 2 mũi thử nghiệm, cho biết ông cũng gặp các phản ứng nhẹ như thế này.
Dự kiến cuối tháng 4, chậm nhất là đầu tháng 5 sẽ có 3 đơn vị cùng tham gia thử nghiệm vắc xin này trên người tình nguyện giai đoạn 3. Sẽ có 10.000 người tham gia thử nghiệm giai đoạn 3.
Tại Học viện Quân y, đã có 800 – 1.000 người đăng ký. Trước đây, các dự báo cho biết phải đầu năm 2022 vắc xin nội mới ra mắt nhưng theo thông tin mới nhất từ Bộ Khoa học & công nghệ, nếu suôn sẻ thì tháng 7 tới sẽ có vắc xin nội.
Trong phiên họp Chính phủ vào ngày 31-3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu tập trung việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước.
Cũng trong ngày 31-3, Thủ tướng Chính phủ quyết định trích 1.237 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 để bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 của Bộ Y tế thực hiện mua và tiêm vắc xin phòng bệnh COVID-19.
Cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đóng góp mua Vaccine được không?
1. Tài khoản tiếp nhận tiền trong nước:
a) Tại Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước:
– Tên tài khoản: Quỹ vaccine phòng COVID-19
– Số hiệu tài khoản: 3761.0.9098866.91999 (VND); 3761.0.9098869.91999 (USD) và 3761.0.9098786.91999 (EUR)
b) Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh Hà Nội:
– Tên tài khoản: Quỹ vaccine phòng COVID-19
– Số hiệu tài khoản: 21110009116868 (VND); 21110371116868 (USD) và 21110142996868 (EUR)
2. Tài khoản tiếp nhận tiền từ nước ngoài:
– Account name: Fund for Vaccination Prevention of Coronavirus Disease 2019
– Account number: 21110009116868 (VND), 21110371116868 (USD) and 21110142996868 (EUR)
– Bank: Bank for Investment and Development of Vietnam JSC, Hanoi branch – 4B Le Thanh Tong Street, Phan Chu Trinh Ward, Hoan Kiem District, Hanoi City, Vietnam
– Swift code: BIDVVNVX
Bộ Tài chính khẳng định, toàn bộ số tiền do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện sẽ được tập trung đầy đủ, kịp thời về Quỹ vaccine phòng COVID-19 và được sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật.
Thái Triển tổng hợp.