TikTok – Ứng dụng phi trò chơi có doanh thu cao nhất thế giới
Tính năng vượt trội của TikTok là cho phép người dùng sáng tạo một video ngắn khoảng 15 giây với hệ thống âm thanh, hiệu ứng, bộ lọc hình ảnh đặc biệt. Theo Công ty phân tích ứng dụng di động Sensor Tower, năm 2019, TikTok đã tạo ra 176,9 triệu đô doanh thu, trong đó 88,5 triệu đô la được tạo ra chỉ trong quý IV – một kỳ tích trong thế giới của “những con kỳ lân thua lỗ”.
Tính đến tháng 4/2020, TikTok thu về khoản doanh thu 78 triệu USD, trong đó 86,6% doanh thu của TikTok và Douyin đến từ người dùng Trung Quốc, tiếp đến là thị trường Mỹ với 8,2% doanh thu. Trong khi đó, YouTube của Google chỉ đứng thứ 2 với doanh thu gần 76 triệu đô, phần lớn đến từ thị trường Mỹ với 56,4%, tiếp theo là thị trường Nhật Bản với 11% doanh thu. Như vậy, TikTok đã vượt mặt Youtube để trở thành ứng dụng phi trò chơi có doanh thu cao nhất thế giới.
Chỉ trong ba năm sau khi ra mắt vào năm 2017, TikTok thực sự đã gây bão và thay đổi cục diện thống trị trong thế giới mạng xã hội. Với khoảng 1,9 tỷ lượt tải xuống ứng dụng trọn đời và khoảng 800 triệu người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn thế giới, TikTok đã trở thành ứng dụng di động được tải xuống nhiều thứ 7 trong thập kỷ (từ 2010 đến 2019).
Sự phát triển của TikTok nhanh đến mức đế chế mạng xã hội Facebook thậm chí đã phải gấp rút ra mắt ứng dụng video ngắn Lasso tại Mỹ vào tháng 11 năm 2018 để rồi nhận lại thất bại khá chua chát: Lasso chỉ được 70.000 người dùng Mỹ tải xuống trong vòng bốn tháng kể từ khi ra mắt – một con số quá khiêm tốn so với khoảng 40 triệu người dùng cài đặt TikTok trong khoảng thời gian tương ứng. Năm 2020, TikTok trở thành ứng dụng phi trò chơi được tải xuống nhiều nhất ở Hoa Kỳ vào tháng 1 và là ứng dụng được tải xuống nhiều nhất ở Ấn Độ vào tháng 2.
Cú vươn mình ngoạn mục của TikTok đã giúp công ty mẹ ByteDance được công nhận là Công ty khởi nghiệp có giá trị nhất trên thế giới. Tương tự như Facebook, ByteDance là một công ty công nghệ sở hữu một số ứng dụng mạng xã hội phổ biến, được thành lập vào năm 2012 bởi CEO Zhang Yiming – một cựu kỹ sư của Microsoft.
Với danh nghĩa công ty tư nhân, ByteDance không công khai báo cáo tài chính của mình nhưng theo Forbes, tập đoàn này có doanh thu 17 tỷ đô vào năm 2019, tăng từ mức 7,4 tỷ đô vào năm 2018. Theo báo cáo tương tự, lợi nhuận của ByteDance là 3 tỷ đô cho năm 2019.
Doanh thu từ mô hình In-apps purchases (Mua hàng trong ứng dụng)
In-apps purchases là hình thức kiếm tiền được nhà phát triển ứng dụng TikTok chú trọng, cho phép người dùng có thể mua những vật phẩm hoặc sử dụng những tính năng đặc biệt trong ứng dụng. Người dùng có thể đổi tiền thật thành những đồng tiền ảo (bitcoin) hoặc những món quà ảo để tặng bạn bè hay những nhà sáng tạo nội dung trên TikTok mà họ yêu thích.
Hình thức này khá giống với tính năng “Donate” (Ủng hộ) trên Facebook, cho phép người dùng ủng hộ trực tiếp tiền mặt tới streamer mà họ yêu thích, chỉ khác ở đơn vị ủng hộ so với TikTok. Những đồng tiền ảo Tiktok có mức quy đổi thấp nhất là gói 100 xu tương ứng với giá 0,99 đô, mức cao nhất là gói 10.000 đô la với mức giá 99,99 đô. Trong khi đó, những món quà ảo rẻ nhất đến từ Panda có giá 5 xu, trong khi những món quà gán mác Drama Queen trị giá lên tới 5.000 xu.
TikTokers có ít nhất 1.000 người theo dõi có thể kiếm được quà tặng ảo bằng cách phát video trực tiếp. Sau khi nhận được quà tặng, TikTokers có thể chuyển đổi chúng thành kim cương trị giá 0,5 đô mỗi viên. Tuy nhiên, TikTok tính phí hoa hồng 50% trước và sau đó chuyển phần còn lại vào tài khoản của TikToker. Người dùng TikTok chỉ có thể rút tiền sau khi tài khoản họ đã đạt tới mức tối thiểu là 100 đô và có thể rút tới hơn 1.000 đô mỗi ngày.
Theo bảng thống kê của Trang theo dõi dữ liệu ứng dụng Apptopia, người dùng TikTok đã chi hơn 3,5 triệu đô la cho việc mua hàng trong ứng dụng (In-apps purchases) chỉ trong tháng 10 năm 2018. Con số này ở quý 4/2019 là 50 triệu đô, tăng 310% so với năm trước đó và đem đến cho nền tảng độc đáo này một khoản lợi nhuận khổng lồ.
Doanh thu từ quảng cáo
Tương tự như Facebook, Instagram hay Youtube, TikTok cũng cung cấp dịch vụ quảng cáo và coi đây là một trong những nguồn thu chủ yếu. Đây là công ty lớn duy nhất của Trung Quốc có thị phần quảng cáo trong nước đang tăng trưởng nhanh, từ 9% đến 17% vào năm 2019, theo Công ty nghiên cứu Bernstein. Doanh thu quảng cáo của công ty này tại Trung Quốc đã vượt qua Baidu, Tencent (công ty mẹ của WeChat) và bám sát Alibaba.
Có hai hình thức quảng cáo hiện tại trên TikTok là quảng cáo Brand Takeover – hiển thị tối đa 5 giây ngay khi người dùng mở ứng dụng, và quảng cáo in-feed video – hiển thị toàn màn hình như một video của người dùng đăng tải bình thường, cho phép người dùng có thể bỏ qua. Những mô hình định giá khác nhau trong cách TikTok tính phí quảng cáo khá giống với các nền tảng truyền thông xã hội khác như Facebook, Youtube về cơ bản, bao gồm:
– Chi phí trên mỗi lượt nhấp (Cost Per Click): Tính phí cho người bán hàng hoặc nhà quảng cáo trên TikTok bất cứ khi nào người dùng nhấp vào một quảng cáo cụ thể.
– Chi phí trên mỗi lượt hiển thị (Cost Per Mile): Tính phí cho mỗi 1000 lần hiển thị quảng cáo.
– Chi phí trên mỗi lượt hành động (Cost Per Action): Đây là một mô hình định giá quan trọng cho doanh nghiệp, nhà quảng cáo chỉ trả tiền cho TikTok khi người dùng thực hiện một hành động cụ thể thông qua quảng cáo như cài đặt ứng dụng, gửi biểu mẫu, đăng ký bản tin, nhấn nút mua hàng,…
Về việc sử dụng doanh thu từ quảng cáo, TikTok khá giống với Facebook khi nhận hoàn toàn khoản doanh thu này mà không hề trả tiền cho những người sáng tạo nội dung nổi bật trong cộng đồng. Điều này khác với Youtube khi nền tảng video mạng xã hội này trả tiền quảng cáo trực tiếp cho các kênh bật tính năng kiếm tiền, dựa trên việc hiển thị quảng cáo trực tiếp trên video mà người dùng đăng tải, dưới các hình thức như hiển thị hình ảnh, chạy video quảng cáo có thể hoặc không thể bỏ qua, quảng cáo đệm, thẻ tài trợ,… Tuy nhiên, các nhà sáng tạo nội dung trên TikTok có vẻ như đang hài lòng với vấn đề này, bởi TikTok với lượng người dùng khổng lồ và thuật toán hiển thị AI thông minh đang đem lại cơ hội nổi tiếng cho bất cứ người bình thường nào – miễn là họ có những video thực sự hấp dẫn. Từ sự nổi tiếng ấy, các TikToker có thể tự kết nối đến nhãn hàng và kiếm tiền bằng các hợp đồng quảng cáo.
Nguồn thu từ các nhà đầu tư và hoạt động gây quỹ
Ngay cả với TikTok, kêu gọi đầu tư và gây quỹ cũng là một trong những nguồn thu chủ chốt. Năm 2018, TikTok đã gọi vốn thành công 3 tỷ đô la trong một dự án gây quỹ do Tập đoàn SoftBank dẫn đầu, bao gồm các công ty như KKR & Co. và General Atlantic đã đẩy định giá của ByteDance lên tới 75 tỷ đô la. Một số cái tên khác cũng được Forbes nhắc đến trong làn sóng đầu tư vào TikTok như Sequoia, Hillhouse Capital Group, Coatue, SIG Asia Investment và Source Code Capital,…, khiến ByteDance trở thành một công ty được theo dõi chặt chẽ cho lần phát hành chứng khoán đầu tiên hoặc các sự kiện thanh khoản khác.
Theo tờ The Economist, khoảng 80% các nhà đầu tư ByteDance không phải là người Trung Quốc. Đơn vị đầu tư mới nhất vào TikTok là Tiger Global Management của Mỹ vào ngày 30 tháng 3 năm 2020. Tập đoàn này chưa tiết lộ số tiền đầu tư, tuy nhiên Financial Times đã báo cáo rằng sau khi cổ phiếu của công ty mới được bán trên thị trường thứ cấp, các nhà đầu tư đã ngụ ý định giá ByteDance 90 tỷ đến 100 tỷ đô.
Dịch vụ tư vấn các chiến dịch quảng cáo trên TikTok
Theo đại diện phát ngôn của TikTok, nguồn thu chính còn đến từ dịch vụ tư vấn các chiến dịch quảng cáo dưới hình thức video trên chính nền tảng này. Với 800 triệu người dùng hàng tháng trên thế giới (ở Việt Nam là 12 triệu), TikTok sở hữu kho dữ liệu khổng lồ và sử dụng các thuật toán AI để phân tích thị hiếu, trào lưu của người xem.
Từ đó, đội ngũ chuyên viên sẽ tư vấn các nhãn hàng tổ chức một chiến dịch quảng cáo thật hiệu quả, bao gồm nội dung video, Influencers/KOLs phù hợp,… sao cho quảng cáo hiển thị như một nội dung sáng tạo thông thường, thu hút người xem – nghệ thuật “quảng cáo mà không quảng cáo”, giữa lúc các phương thức quảng cáo truyền thống đang dần trở nên lỗi thời.
Các nguồn thu tiềm năng trong tương lai
Giống như nhiều nền tảng truyền thông xã hội khác, ByteDance đang thử nghiệm thương mại điện tử (e-commerce) trên nền tảng TikTok, giống như cách mà Facebook đang thử nghiệm tính năng “Facebook Shop” giúp kết nối giao dịch mua bán một cách thuận tiện. Đây là sẽ là một cuộc cạnh tranh khốc liệt mới khi hãng nghiên cứu Emarketer dự đoán rằng, hơn 75 triệu người dùng mạng xã hội Mỹ từ 14 tuổi trở lên sẽ thực hiện ít nhất một giao dịch mua sắm từ một kênh mạng xã hội này trong năm 2020, tăng 17,3% so với năm 2019.
Theo một nguồn tin hành lang khác, TikTok cũng đang có kế hoạch ra mắt một dịch vụ cung cấp nhạc trả phí như Apple Music hay Spotify. Thay vì cho phép người dùng tự do sử dụng mọi bản nhạc và hiệu ứng âm thanh miễn phí như hiện tại, TikTok có thể sẽ yêu cầu người dùng phải trả một khoản tiền nhỏ để có thể tạo và chia sẻ video của họ với những bản nhạc, hiệu ứng âm thanh đặc biệt trong tương lai. Kế hoạch này có thể sẽ cần nhiều thời gian cân nhắc và thậm chí làm thay đổi chiến lược phát triển của TikTok trong thời gian tới, nhất là khi những đối thủ lớn của TikTok như Facebook, Instagram hay Youtube đều đang cho phép người dùng sử dụng mạng xã hội của mình hoàn toàn miễn phí.
Tổng hợp thông tin từ Forbes, The Economist & CNBC
Comments are closed.