Mặc dù 4 ngân hàng thương mại nhà nước vẫn dẫn đầu nhưng bảng xếp hạng về số vốn điều lệ của hệ thống đã có sự xáo trộn đáng kể trong 1 năm qua. Nếu những kế hoạch tăng vốn táo bạo mà nhiều ngân hàng công bố gần đây thành công thì cuối năm 2018 sẽ lại chứng kiến nhiều thay đổi nữa.
Thống kê của NHNN cho biết, đến cuối năm 2017, tổng số vốn điều lệ của hệ thống các tổ chức tín dụng là 362.562 tỷ đồng. So với cuối năm 2016, vốn điều lệ của cả hệ thống đã được bơm thêm hơn 15.000 tỷ, mức này thấp hơn so với mức tăng năm trước đó (khoảng 32.000 tỷ).
Trong khi tổng tài sản đang có tốc độ tăng trưởng nhanh thì vốn điều lệ lại chậm hơn. Đặc biệt tại khối NHTM có vốn chi phối của Nhà nước, tốc độ tăng trưởng tài sản năm 2017 đạt 18,34% trong khi vốn điều lệ chỉ tăng 0,84%.
Dù có tốc độ nâng vốn điều lệ chậm hơn thì 4 ngân hàng thương mại của Nhà nước là Vietinbank, Vietcombank, BIDV và Agribank vẫn đang dẫn đầu và chiếm tới 40% vốn điều lệ toàn hệ thống. Trong đó, Vietinbank giữ vị trí đứng đầu với vốn điều lệ hơn 37.000 tỷ đồng dù chưa thay đổi kể từ năm 2014 đến nay. Theo sau lần lượt là Vietcombank, BIDV và Agribank (2016) với số vốn tương ứng 35.977 tỷ, 34.187 tỷ và 29.126 tỷ.
So với năm 2016, vị trí của các ngân hàng nhóm TMCP tư nhân cũng đã có sự xáo trộn đáng kể. Vốn điều lệ của VPBank đã tăng mạnh từ 9.181 tỷ đồng lên 15.706 tỷ đồng, nhờ đó vượt qua một loạt ngân hàng như ACB, SCB và SHB,… để đứng thứ 7 trên hệ thống. Chưa dừng lại, ngân hàng này còn muốn tăng lên 27.800 tỷ đồng thông qua 5 đợt phát hành cổ phiếu trong năm nay, nếu thành công VPBank sẽ bỏ xa Sacombank và MB và đứng thứ 5 trong hệ thống về số vốn điều lệ.
Tính đến cuối năm 2017 vẫn còn hơn 10 ngân hàng có vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ, trong đó KienLongBank, NCB, SaiGonBank, NamABank,… nhiều năm vốn điều lệ dường như không có chút thay đổi dù đã có kế hoạch. Vốn điều lệ quá thấp đang là vấn đề đau đầu đối với những ngân hàng này nếu muốn mở rộng kinh doanh mà vẫn đảm bảo an toàn vốn trong thời gian tới.
Không chỉ những nhà băng nhỏ mà tăng vốn được xem là một trong những mục tiêu hàng đầu của hệ thống ngân hàng trong năm nay nhằm tận dụng nhiều thuận lợi từ thị trường chứng khoán. Như VIB muốn tăng lên 8.100 tỷ, MBB tăng lên 21.600 tỷ, LienVietPostBank tăng lên hơn 10.000 tỷ, HDBank tăng lên gần 12.000 tỷ, OCB tăng lên 7.500 tỷ,…
Nếu như những kế hoạch tăng vốn nói trên của các ngân hàng thành công thì bức tranh ngân hàng cuối năm nay sẽ còn nhiều thay đổi hơn nữa.
Theo CafeF.vn
[blog_posts columns=”3″ style=”text-bounce” posts=”8″ category=”” image_height=”150px” show_date=”true”]